Hoa Kỳ: Nền kinh tế hàng đầu thế giới ghi nhận tốc độ tăng trưởng 1.2% trong quý I/2017 nhờ sự cải thiện của chi tiêu tiêu dùng cá nhân và DN, mặc dù thấp hơn so với mức GDP tăng 2.1% trong quý IV/2016, tuy nhiên con số này khả quan hơn nhiều so với dự báo tăng 0.7% trước đó. Trong quý II/2017, chi tiêu tiêu dùng được dự báo tiếp tục là động lực của tăng trưởng kinh tế, với tốc độ tăng 0.4% trong tháng 4/2017, cao hơn so với mức tăng 0.3% trong tháng 3/2017 và đánh dấu mức tăng lớn nhất của chỉ số này kể từ tháng 12/2016. Theo dự báo, tăng trưởng GDP trong quý II/2017 của Hoa Kỳ ước đạt 2-3.8%. Chỉ số lòng tin tiêu dùng của người dân Hoa Kỳ trong tháng 5/2017 đã giảm từ 119.4 điểm xuống 117.9 điểm. Đây được đánh giá là dấu hiệu cho thấy người dân Hoa Kỳ đã giảm kỳ vọng về nền kinh tế sau khi tăng mạnh kỳ vọng vào thời điểm đầu năm nay. Đầu tháng 6, Tổng thống Trump đã quyết định rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Quyết định này tăng lo ngại về khả năng kinh tế Hoa Kỳ sẽ phát triển không bền vững, đồng thời tiếp tục cho thấy động thái bất ổn trong chính sách điều hành kinh tế của Chính phủ Hoa Kỳ.
EU: Tại Eurozone, sự hồi phục của khu vực Eurozone tiếp tục lan rộng với diễn biến tích cực tại hầu hết các thị trường lớn như Pháp, Đức, và Tây Ban Nha. Tỷ lệ thất nghiệp tại toàn khu vực trong tháng 4/2017 đã giảm từ 9.4% xuống 9.3% - ghi nhận mức thấp nhất của tỷ lệ này kể từ tháng 9/2009. Riêng tại Đức – nền kinh tế hàng đầu khu vực, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 5/2017 đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 5.7%. Bên cạnh diễn biến kinh tế tích cực, rủi ro chính trị tại Eurozone cũng tiếp tục được đẩy lên cao và đe dọa trực tiếp đến xu hướng hồi phục cũng như tương lai của toàn khu vực trong thời gian tới. Theo đó, Bộ trưởng tài chính Eurozone và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đã không đạt được thỏa thuận giảm nợ cho Hy Lạp cũng như giải ngân gói cho vay mới dành cho nước này.
Nhật Bản: Theo báo cáo của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) công bố ngày 21/5/2017, kim ngạch xuất khẩu danh nghĩa của nước này tăng 7.5% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 4/2017, tiếp sau mức tăng 12% trong tháng trước. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tăng 15.1% trong tháng 4/2017, tiếp sau mức tăng 15.8% trong tháng 3/2017. Giá nguyên liệu tăng cao đang đẩy kim ngạch nhập khẩu cao hơn. Do nhập khẩu tăng mạnh, thặng dư thương mại đã giảm từ 811 tỷ JPY trong tháng 4/2016 xuống còn 482 tỷ JPY trong tháng 4/2017 (4.3 tỷ USD). Trong 12 tháng tính đến tháng 4/2017, thặng dư thương mại đã giảm xuống còn 3.7 nghìn tỷ JPY, thấp hơn mức thặng dư 4.0 nghìn tỷ JPY được ghi nhận trong tháng trước. Thị trường lao động tiếp tục ghi nhận sự hồi phục với tỷ lệ thất nghiệp đứng ở mức 2.8% trong tháng 4/2017 – mức thấp nhất của chỉ số này trong hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, kinh tế Nhật Bản vẫn chưa cải thiện như kỳ vọng trong bối cảnh chi tiêu tiêu dùng – một trong những động lực chính của nền kinh tế vẫn ở mức thấp. Cùng với việc tăng lương chậm, diễn biến này đã và đang khiến các nhà hoạch định chính sách gặp khó khăn trong nỗ lực đối phó với tình trạng giảm phát kéo dài.
Trung Quốc: Các số liệu thống kê cho thấy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể tiếp tục giảm tốc song nguy cơ giảm mạnh không thể xảy ra nhờ tác động hỗ trợ từ những cải cách và các động lực tăng trưởng mới đang hình thành. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của lĩnh vực chế tạo là 51.2 điểm trong tháng 5/2017, tương tự số liệu tháng 4/2017, và là mức thấp nhất kể từ tháng 10/2016. Trong khi đó, Chỉ số PMI trong lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc tiếp tục tăng lên 54.5 điểm trong tháng 5/2017, từ mức 54 trong tháng 4/2017, cho thấy cơ cấu kinh tế cúa nước này đang trở nên tốt hơn. Hiện Trung Quốc đang tiếp tục nỗ lực chuyển nền kinh tế nước này hướng tới mô hình tăng trưởng khai thác sức mạnh từ tiêu dùng, dịch vụ và sáng tạo.
Một số chỉ tiêu chủ yếu 5 tháng đầu năm năm 2017 (tăng/giảm) so với cùng kỳ năm 2016 (%)
Chỉ số sản xuất công nghiệp |
+5.7 |
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng |
+10.2 |
Tổng kim ngạch xuất khẩu |
+17.4 |
Tổng kim ngạch nhập khẩu |
+23.9 |
Khách quốc tế đến Việt Nam |
+29.6 |
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước |
+6 |
Chỉ số giá tiêu dùng |
+4.47 |
Lạm phát cơ bản |
+1.56 |
(Nguồn Tổng Cục Thống kê)
Chỉ số sản xuất công nghiệp: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Năm ước tính tăng 7.2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 7.8%; ngành chế biến, chế tạo tăng 11.2%; sản xuất và phân phối điện tăng 13.8%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 8.2%. Tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5.7% so với cùng kỳ năm trước, tuy vẫn thấp hơn mức tăng 7.4% của cùng kỳ năm 2016, nhưng cao hơn mức tăng 5.2% của 4 tháng đầu năm nay.
Tình hình đăng ký DN: Trong tháng Năm, cả nước có 10,954 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 119.2 nghìn tỷ đồng, tăng 9.3% về số DN và tăng 17.8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký bình quân một DN đạt 10.9 tỷ đồng, tăng 7.8%; tổng số lao động đăng ký trong tháng của các DN thành lập mới là 97.8 nghìn người, giảm 6.6%. Trong tháng, cả nước có 1,913 DN quay trở lại hoạt động, tăng 14.7% so với cùng kỳ năm 2016; Tính chung 5 tháng đầu năm, cả nước có 50,534 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 485.6 nghìn tỷ đồng, tăng 12.9% về số DN và tăng 39% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016, vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 9.6 tỷ đồng, tăng 23%. Bên cạnh đó, còn có 13,458 DN quay trở lại hoạt động, tăng 3.5% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm nay lên gần 64 nghìn DN. Tổng số lao động đăng ký của các DN thành lập mới trong 5 tháng là 521.7 nghìn người, giảm 1.9% so với cùng kỳ năm 2016. Số DN tạm ngừng hoạt động trong 5 tháng đầu năm là 32,148 DN, tăng 12.5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 12,884 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19.4% và 19,264 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 8.3%.
Đầu tư: Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Năm ước tính đạt 23,049.7 tỷ đồng, bao gồm: Vốn trung ương 5,145 tỷ đồng; vốn địa phương 17,904.7 tỷ đồng. Tính chung 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 88.8 nghìn tỷ đồng, bằng 30.6% kế hoạch năm và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong tháng Năm các chủ đầu tư và đơn vị thi công đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án; vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước cao hơn tháng trước và cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tình hình giải ngân và thực hiện nguồn vốn này trong 5 tháng đầu năm còn chậm. Các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục nỗ lực tập trung thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, bảo đảm kế hoạch đề ra.
Về đầu tư trực tiếp của nước ngoài: Từ đầu năm đến thời điểm 20/5/2017 thu hút 939 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 5,595.4 triệu USD, tăng 3.5% về số dự án và giảm 26.1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, có 437 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 4,742.9 triệu USD.
Trong 5 tháng đầu năm 2017 có 2,061 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 1,792 triệu USD. Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần 5 tháng đầu năm đạt 12,130.3 triệu USD, tăng 10.4% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng ước tính đạt 6.2 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong 5 tháng đầu năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 2,863.4 triệu USD, chiếm 51.2% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành khai khoáng đạt 1,279 triệu USD, chiếm 22.8%; các ngành còn lại đạt 1,453 triệu USD, chiếm 26%. Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước và góp vốn, mua cổ phần thì tổng vốn đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 5 tháng đầu năm đạt 8,092.5 triệu USD, chiếm 66.7% tổng vốn đăng ký; ngành khai khoáng đạt 1,280.1 triệu USD, chiếm 10.6%; các ngành còn lại đạt 2,757.7 triệu USD, chiếm 22.7%.
Trong 5 tháng đầu năm, cả nước có 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới, trong đó Kiên Giang có số vốn đăng ký lớn nhất với 1,304.7 triệu USD, chiếm 23.3% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Bình Dương 919.2 triệu USD, chiếm 16.4%; thành phố Hồ Chí Minh 341.7 triệu USD, chiếm 6.1%; Tây Ninh 331 triệu USD, chiếm 5.9%; Bắc Giang 305.7 triệu USD, chiếm 5.5%; Bình Phước 282.9 triệu USD, chiếm 5.1%; Thanh Hóa 248.3 triệu USD, chiếm 4.4%; Bắc Ninh 168.4 triệu USD, chiếm 3%; Đồng Nai 159.9 triệu USD, chiếm 2.9%; Hà Nội 139 triệu USD, chiếm 2.5%; Nghệ An 122.7 triệu USD, chiếm 2.2%; Bà Rịa - Vũng Tàu 117.2 triệu USD, chiếm 2.1%; Hải Dương 102.9 triệu USD, chiếm 1.8%.
Trong số 56 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 5 tháng năm nay, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất với 1,538.6 triệu USD, chiếm 27.5% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc 1,259 triệu USD, chiếm 22.5%; Trung Quốc 756.6 triệu USD, chiếm 13.5%; Singapore 597.8 triệu USD, chiếm 10.7%; Đặc khu Hành chính Hồng Kông (TQ) 322.4 triệu USD, chiếm 5.8%; CHLB Đức 321.7 triệu USD, chiếm 5.8%.
Thu, chi ngân sách Nhà nước: Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/5/2017 ước tính đạt 416.7 nghìn tỷ đồng, bằng 34.4% dự toán năm, trong đó thu nội địa 334.9 nghìn tỷ đồng, bằng 33.8%; thu từ dầu thô 16.6 nghìn tỷ đồng, bằng 43.4%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 65.1 nghìn tỷ đồng, bằng 36.2%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/5/2017 ước tính đạt 438.5 nghìn tỷ đồng, bằng 31.5% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 323.8 nghìn tỷ đồng, bằng 36.1%; chi trả nợ lãi 41.5 nghìn tỷ đồng, bằng 42%; riêng chi đầu tư phát triển mới đạt 72.4 nghìn tỷ đồng, bằng 20.3% dự toán năm. Chi trả nợ gốc từ đầu năm đến thời điểm 15/5/2017 ước tính đạt 77.7 nghìn tỷ đồng, bằng 47.4% dự toán năm.
Cán cân thương mại thực hiện tháng Tư xuất siêu 186 triệu USD; tháng Năm ước tính nhập siêu 800 triệu USD. Tính chung 5 tháng đầu năm 2017 nhập siêu trên 2.7 tỷ USD, bằng 3.4% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10.36 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 7.65 tỷ USD.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Năm ước tính đạt 17.2 tỷ USD, giảm 1.9% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 4.8 tỷ USD, tăng 3.1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 12.4 tỷ USD, giảm 3.7%. Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 79.3 tỷ USD, tăng 17.4% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 22.1 tỷ USD, tăng 13.6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 57.2 tỷ USD, tăng 19%. Điện thoại và linh kiện đạt 16 tỷ USD, tăng 12%; hàng dệt may đạt 9.4 tỷ USD, tăng 9%.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 5 tháng đầu năm, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 16 tỷ USD, tăng 9.9% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là EU đạt 14.6 tỷ USD, tăng 9.5%; Trung Quốc đạt 10.5 tỷ USD, tăng 40.3%; ASEAN đạt 8.6 tỷ USD, tăng 26%; Nhật Bản đạt 6.4 tỷ USD, tăng 16.6%; Hàn Quốc đạt 5.7 tỷ USD, tăng 34.4%.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Năm ước tính đạt 18 tỷ USD, tăng 3.7% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7.1 tỷ USD, tăng 8.3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 10.9 tỷ USD, tăng 1%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu tháng Năm tăng 23.6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 13.2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 31.5%. Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 82 tỷ USD, tăng 23.9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 32.4 tỷ USD, tăng 18.9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 49.6 tỷ USD, tăng 27.5%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2017 giảm 0.53% so với tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đầu năm 2017 tăng 4.47% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.
Lạm phát cơ bản tháng 5/2017 tăng 0.08% so với tháng trước và tăng 1.33% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm 2017 tăng 1.56% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.
Chỉ số giá vàng tháng 5/2017 giảm 0.10% so với tháng trước, tăng 2.91% so với tháng 12/2016 và tăng 4.12% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Hoa Kỳ tháng 5/2017 giảm 0.03% so với tháng trước, giảm 0.05% so với tháng 12/2016 và tăng 1.66% so với cùng kỳ năm 2016.
Chính phủ đã quyết định tiếp tục miễn visa cho một số nước Tây Âu; thông qua chính sách miễn học phí đối với giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn từ năm học 2018. Đồng ý kéo dài thực hiện chính sách được quy định tại Quyết định số 1033 ngày 30/6/2011 về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2011 - 2015 và Quyết định số 1951 ngày 2/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi của các tỉnh giáp Tây Nguyên giai đoạn 2011- 2015 đến 31/12/2020.
"10 năm Việt Nam gia nhập WTO: Cú hích quan trọng thúc đẩy hội nhập": Đây là nhận định của ông Pascal Lamy, nguyên Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO). Năm 2017 đánh dấu chặng đường 10 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO. Kể từ năm 2007 đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng bởi những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và khủng hoảng nợ công, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6.29%/năm, GDP bình quân đầu người tăng từ 730 USD lên 2,445 USD, cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2016 cũng tăng gấp 3.5 lần so với năm 2006. Ngoài ra, sau 10 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã thu hút hơn 22,000 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 300 tỷ USD.
Thanh niên chiếm hai phần ba số người thất nghiệp: Tình trạng thất nghiệp của thanh niên tiếp tục là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam với trên 2/3 số người thất nghiệp là thanh niên, theo thông tin từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ trưởng cho biết lực lượng lao động cả nước là 54.56 triệu người, trong đó lực lượng lao động là thanh niên (15 - 29 tuổi) khoảng 14.4 triệu người (chiếm 26.3%), trong đó thanh niên nông thôn khoảng 9.9 triệu người. Đây là nguồn cung lao động lớn, có tri thức, sức khỏe nhưng đồng thời cũng gây sức ép lớn trong giải quyết việc làm. Hiện cả nước có 13.5 triệu thanh niên có việc làm, trong đó tại khu vực nông thôn khoảng 9.4 triệu người, nhưng chất lượng việc làm thấp. Cụ thể: 58.6% thanh niên làm công hưởng lương nhưng gần 1/2 trong số đó không có hợp đồng bằng văn bản; 41.4% thanh niên làm những công việc dễ bị tổn thương như lao động tự làm, lao động trong hộ gia đình không hưởng lương, riêng tại khu vực nông thôn tỷ lệ này khá cao (50.8%).
Kinh tế Việt Nam sẽ hưởng lợi nhờ sức cầu trong nước và sản xuất hàng xuất khẩu: Tăng trưởng GDP dự kiến tăng dần trong các năm 2017 - 2019, chủ yếu do sức cầu mạnh trong nước và các hoạt động chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu. Ngân hàng Thế giới vừa công bố báo cáo cập nhật kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Áp lực lạm phát nhìn chung ở mức thấp do giá năng lượng và giá thương phẩm toàn cầu đang giảm. Dự báo lạm phát của Việt Nam trong giai đoạn 2017-2019 chỉ tăng ở mức 4% mỗi năm. Tình hình ngân sách của Việt Nam cũng sẽ được củng cố phần nào trong thời gian tới, bên cạnh đó quá trình thoái vốn sẽ tăng nhanh, nhưng sẽ được triển khai dần dần nhằm kiềm chế tăng nợ công. Tuy triển vọng của Việt Nam trong trung hạn vẫn thuận lợi, nhưng những rủi ro trước mắt vẫn còn. Trong nước, sự chậm trễ trong triển khai cải cách ngân sách và chuyển đổi cơ cấu có thể làm tăng nguy cơ dễ tổn thương về kinh tế vĩ mô và giảm tốc độ tăng trưởng tiềm năng. Thêm vào đó, nếu kinh tế thế giới biến động mạnh có thể tác động qua các kênh thương mại và đầu tư khiến cho triển vọng tăng trưởng của Việt Nam ảm đạm.
Kinh tế Việt Nam quý II dự báo tăng trưởng 5.6%, cả năm đạt 6.2%: Theo dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), quý II/2017, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5.6%, cả năm đạt 6.2%, thấp hơn mục tiêu 6.7% được Quốc hội thông qua.
Vải được tráng vật liệu có hoạt tính điện hóa bắt chước cơ. Các nhà nghiên cứu từ ĐH Linkoping và ĐH Boras ở Thụy Điển đã cho vải thông thường khả năng kích hoạt giống như sợi cơ bằng cách tráng vật liệu có hoạt tính điện hóa lên vải. Công nghệ mở ra nhiều cơ hội mới để thiết kế “cơ vật liệu dệt” có thể tích hợp được vào quần áo, làm cho những người tàn tật có thể dễ dàng di chuyển hơn. Trong nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu đã sử dụng các ưu điểm do vải nhẹ và mềm mại mang lại, và đã phát triển cái có thể được mô tả như là “cơ vật liệu dệt”. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng vải được sản xuất đại trà và tráng vải bằng vật liệu có hoạt tính điện hóa. Đó là vật liệu tráng đặc biệt cưỡng bức cơ vật liệu dệt nâng lên. Một điện thế được đưa vào vải làm vật liệu có hoạt tính điện hóa thay đổi kích thước, làm cho xơ hoặc sợi tăng chiều dài. Các tính chất của vật liệu dệt được kiểm soát bởi cấu trúc dệt thoi hoặc dệt kim. Bài báo về nghiên cứu “Cơ nhân tạo dệt thoi và dệt kim” của Ali Maziz, Alessandro Concas, Alexandre Khaldi, Jonas Stalhanh, Nils-krister Persson và Edwin W.H Jager gần đây được công bố trên tạp chí Sience Advantages. Ông Jager Edwin làm việc tại ĐH Linoping nói rằng “phương thức tiếp cận của chúng tôi làm cho có thể sản xuất ra các khởi động từ trong dài hạn theo cách đơn giản và hy vọng là với chi phí hợp lý bằng cách sử dụng các công nghệ sản xuất dệt đã có sẵn. Điều thú vị hơn là nó có thể mở ra các ứng dụng hoàn toàn mới trong tương lai, như là tích hợp các cơ vật liệu dệt vào các mặt hàng may mặc”.
Nhuộm vật liệu dệt bằng vi khuẩn: Các nhà khoa học đang nghiên cứu để sử dụng các vi khuẩn như là các nhà máy sản xuất chất màu và là công cụ để in hoa văn lên vải thay cho thuốc nhuộm tổng hợp độc. Trong một dự án ở Đại học Rotterdam, các nhà khoa học đã cho các vi khuẩn sinh ra pigment chịu tác động của các tần suất âm thanh và thấy rằng sự sản sinh pigment tăng lên, chỉ ra rằng có thể dẫn tới tăng quy mô của quá trình nhuộm bằng vi khuẩn. Nghiên cứu do nhà thiết kế Laura Luchtman và Ilfa Siebenhaar tiến hành. Với sự giúp đỡ của kỹ sư âm thanh Eduard van Dommelen, các nhà thiết kế xây dựng một cụm thiết bị âm thanh trong phòng thí nghiệm y sinh. Bằng cách làm cho vi khuẩn nhảy múa, họ đã cố gắng loại trừ sự tăng trưởng ngẫu nhiên để tạo ra vải có họa tiết đẹp mắt. Nghiên cứu là một phần của dự án nghiên cứu thiết kế sinh học Living Colour của hai nhà thiết kế. Thiết kế sinh học là sự giao thoa của tự nhiên, khoa học và thiết kế trong đó các sinh vật sống tạo nên một phần không thể tách rời của quá trình thiết kế. Người ta thấy rằng các tần suất âm thanh đã giúp tăng tốc sản xuất pigment. Trong khi vi khuẩn không chịu tác động của âm thanh tạo nên các vết bẩn trên vải thì vi khuẩn đang nhảy múa đã tạo nên vải nhuộm màu trơn. Mặc dầu kết quả đối ngược lại với điều mà nhóm hướng tới, kết quả có thể dẫn tới cách thức tăng quy mô quá trình nhuộm bằng vi khuẩn. Vi khuẩn đang tăng trưởng như là nhà máy nhuộm có thể dẫn tới cách thức nhuộm màu bền vững hơn do các pigment sinh học này là chất thay thế cho thuốc nhuộm dệt tổng hợp độc hại.
Cảm biến nhịp tim dùng trong vật liệu dệt: Các nhà nghiên cứu đã phát triển thành công xơ quang học polyme để làm cảm biến, loại đặc biệt mềm dẻo và có thể may vào vật liệu dệt. Loại xơ này được sử dụng trong cảm biến được dệt vào vật liệu, có thể làm cho các nhà nghiên cứu đo nhịp tim của bệnh nhân. Cảm biến được sản xuất ra bằng kỹ thuật nóng chảy và có thể giặt được trong máy. Các nhà nghiên cứu muốn tạo nên cảm biến có thể tích hợp vào vật liệu dệt, nghĩa là xơ có thể được may vào vật liệu dệt và không bị đứt khi được thắt nút. Cảm biến mới có thể dễ dàng sản xuất ra trong công nghiệp và có thể chịu các chu kỳ giặt. Cảm biến có thể được dùng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe để ngăn ngừa loét do nằm lâu và cũng có lợi ích trong sản xuất quần áo thể thao. Nhóm nghiên cứu do ông Luciano Boesel từ EMPA đứng đầu đã tiến hành việc nghiên cứu này. Công trình được công bố trên tạp chí Hiệp hội Hoàng gia. Công trình được tiến hành với việc công tác với Bệnh viện của Đại học Zurich, Viện nghiên cứu CSEM và Trung tâm điều trị liệt chi dưới Thụy Sĩ tại Nottwil.
Xuất khẩu hàng may mặc của Myanmar đạt 1.8 tỷ đô la Hoa Kỳ trong năm tài khóa 2017: Xuất khẩu hàng may mặc của Myanmar thu về chừng 1.836 tỷ USD trong năm tài khóa 2016-2017 kết thúc vào tháng 3 vừa rồi. Myanmar xuất khẩu chừng 33% hàng may mặc tới Nhật Bản, tiếp theo đó là 25% tới EU. Nước này cũng cung cấp hàng may mặc tới Hàn quốc, Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ngành may mặc, gồm có cả sản xuất giày, quần áo và túi xách, đóng góp 16% tới tổng thu xuất khẩu của Myanmar trong năm. Trong năm tài khóa trước, Myanmar thu về 627 triệu USD từ xuất khẩu hàng may mặc. Ngành may mặc Myanmar sử dụng trên 300,000 lao động. Ngành đặt mục tiêu xuất khẩu tham vọng thu về 12 tỷ USD và tạo nên 1,5 triệu việc làm vào năm 2020. H&M của Thụy Điển và Gap của Hoa Kỳ là hai trong số nhiều công ty lớn nước ngoài đã đầu tư vào sản xuất hàng may mặc ở Myanmar.
Giá hàng may mặc tăng 0.5% tại thị trường Hoa Kỳ trong 12 tháng qua: Theo báo cáo “Kinh tế hàng ngày” do Văn phòng thống kê lao động, Bộ Lao động Hoa Kỳ đưa ra thì trong năm kết thúc vào tháng 4/2017, Chỉ số giá tiêu dùng cho chỉ số hàng may mặc của tất cả người tiêu dùng thành thị (CPI-U) đã tăng 0.5% tại thị trường Hoa Kỳ. Sự gia tăng trong chỉ số hàng may mặc là nhỏ hơn so với sự gia tăng 2.2% trong CPI-U cho tất cả các mặt hàng. Hàng may mặc tạo nên khoảng 3.1% tổng rổ thị trường CPI-U, gồm hàng may mặc cho nam, nữ, trẻ em trai và gái, giày dép cho nam và nữ, đồ trang sức và đồng hồ. Trong chỉ số hàng may mặc thì giá cho hàng may mặc nam giới đã giảm 1.9% trong năm kết thúc vào tháng 4 năm 2017, và giá hàng may mặc nữ đã tăng 0.8%. Từ tháng 4 năm 2007 tới tháng 4 năm 2017, chỉ số giá cho hàng may mặc nam giới giảm 0.2% và chỉ số giá cho hàng may mặc nữ tăng 0.5%. CPI-U cho tất cả các mặt hàng đã tăng 18.3% trong cùng thời kỳ. Giá hàng may mặc trẻ em gái đã tăng 2.1% trong năm kết thúc vào tháng 4 năm 2017, trong khi giá hàng may mặc trẻ em trai đã giảm 2.8%. CPI-U cho hàng may mặc trẻ em gái giảm 10.7% từ tháng 4 năm 2007 tới tháng 4 năm 2017, trong khi CPI-U cho trẻ em trai đã tăng 8.2% trong cùng thập kỷ.
Thies phát triển máy nhuộm iMaster mini: Nhóm phát triển của Thies đã phát triển máy nhuộm iMaster mini. Khái niệm được dùng trong máy sản xuất iMaster H2O được chuyển nhất quán sang máy iMaster mini, đưa ra lượng dung dịch giống hệt, cùng chức năng và vận chuyển vải và dung tỷ có thể so sánh. Các kết quả của iMaster mini tái lặp được trên máy sản xuất iMaster H2O. Kết quả cho máy iMaster mini có công suất trong khoảng 20 tới 80 kg là tái lặp trên máy sản xuất iMatser H2O với công suất trong khoảng 100 tới 2,000 kg. Ngoài quá trình rũ và làm sạch, có thể tiến hành tất cả các quá trình gia công ướt (tiền xử lý, tẩy và nhuộm) có hiệu quả tại các dung tỷ thay đổi. Việc này làm ta có thể thiết kế quá trình gia công linh hoạt và làm giảm tiêu thụ hóa chất và việc sử dụng chất trợ dệt xuống tới mức thấp nhất cần thiết. Việc cấp thuốc nhuộm và hóa chất xảy ra với sự trợ giúp của hệ thống định lượng Smart Dose từ Thies như đối với máy iMaster H2O. Định lượng các sản phẩm hóa chất có thể được đặt chính xác tới từng yêu cầu nhờ sử dụng công nghệ lập trình thân thiện với người sử dụng. Các ưu điểm thêm của hệ thống Smart Dose là giảm thời gian định lượng và cải tiến chất lượng. Máy iMaster mini có thể được vận hành với khả năng cấp đầy từ công suất danh nghĩa 20 kg tới 80 kg. Việc thích ứng cấp tải tự động hoàn toàn của máy có thể làm việc cấp tải linh hoạt. Phạm vi chức năng của máy iMaster mini có thể được mở rộng tùy chọn bằng cách sử dụng tất cả các hệ thống giám sát và đo lường hiện hành. Tất cả các việc mở rộng được sử dụng để phân tích quá trình minh bạch hơn và tối ưu hóa quá trình nếu cần thiết. Dung dịch rũ, giặt và nhuộm được đo lường online, được phân tích liên tục và giới thiệu bằng biểu đồ.
Xuất khẩu hàng may mặc của Indonesia giữ ổn định trong năm 2017: Theo Hiệp hội dệt Indonesia (API) thì xuất khẩu hàng may mặc từ Indonesia nhiều khả năng giữ ổn định năm nay tại mốc 11.9 tỷ đô la, giống như mức đạt được của năm 2016. Việc thành lập hàng chục kho ngoại quan trong những tháng gần đây và thiết lập các tuyến hàng hải mới từ Gedebage ở Tây Java tới cảng Tanjung Priok ở Jakarta đã hỗ trợ xuất khẩu. Trong năm 2016, xuất khẩu hàng may mặc từ quốc gia Đông Nam Á này đã giảm 3.2% do một vài thách thức gồm chi phí logistic cao, thuế đánh vào khí gas và điện cao hơn các nước cạnh tranh khác. Hiện nay Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu hàng may mặc lớn nhất từ Indonesia. Ông Sudrajat, chủ tịch API, đã thúc giục chính phủ vận động hành lang chính phủ mới của Hoa Kỳ để mở rộng hệ thống ưu đãi phổ cập (GPS) để thêm nhiều hàng may mặc và phụ kiện của Indonesia được vào hệ thống đó. Việc này sẽ tạo thuận lợi cho sản phẩm của Indonesia vào Hoa Kỳ với thuế thấp hơn.
Ngành dệt may Sri Lanca hưởng lợi từ GSP+ của EU: Rất nhiều chủng loại sản phẩm của Sri Lanca kể cả hàng dệt may sẽ hưởng lợi do EU đã trao cho quốc đảo Nam Á này sự tiếp cận thị trường tăng cường dưới dạng khuyến khích cải tổ. Sự ưu đãi mậu dịch một bên được bố trí đặc biệt dưới Chương trình GSP của EU, được biết đến là chương trình GSP+, nhiều khả năng có hiệu lực trong tháng này. Ưu đãi trong GSP+ gồm loại bỏ hoàn toàn thuế cho 66 dòng thuế, gồm cả hàng dệt may và sản phẩm nghề cá khi vào thị trường EU. Các ưu đãi này được trao “để đổi lại cam kết của nước này phê chuẩn và thực hiện có hiệu quả 26 hiệp ước quốc tế về nhân quyền, các điều kiện lao động, bảo vệ môi trường và quản trị đất nước tốt”. Chương trình GSP+ của EU được thiết kế để hỗ trợ các nước đang phát triển nuôi dưỡng phát triển kinh tế thông qua gia tăng mậu dịch với châu Âu và khuyến khích thực hiện các biện pháp hữu hình hướng tới phát triển bền vững. Nếu Sri Lanca tiếp tục có tiến bộ cần thiết thì nước này sẽ có cơ hội hưởng lợi từ chương trình cho tới khi đạt mức tình trạng nước có thu nhập trên mức trung bình trong 3 năm liên tiếp. EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Sri Lanca chiếm tới gần 1/3 xuất khẩu toàn cầu của Sri Lanca. Trong năm 2016, tổng mậu dịch song phương đạt gần 4 tỷ Euro và EU nhập khẩu từ Sri Lanca chiếm 2.6 tỷ Euro. Việc loại bỏ thuế nhập khẩu sẽ tạo ra lợi ích tổng thể ngay tức khắc trị giá trên 330 triệu Euro một năm. Tuy nhiên chương trình sẽ giá trị nhiều hơn nữa, nhất là nếu Sri Lanca sử dụng thời cơ để đa dạng hóa nền kinh tế.
VINATEX được vinh danh trong Chương trình “Vinh quang Việt Nam năm 2017”: Tối 20/5/2017, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô đã diễn ra Chương trình “Vinh quang Việt Nam năm 2017” với chủ đề “Dấu ấn 30 năm đổi mới”. Chương trình được tổ chức nhằm vinh danh các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong 30 năm đổi mới. Hội đồng bình chọn đã thống nhất lựa chọn 12 tập thể, 18 cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong hành trình 30 năm đổi mới của đất nước do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo, góp phần quan trọng vào xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc. Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VINATEX) với thành tích đưa thương hiệu Việt Nam đến các thị trường trên thế giới và kim ngạch xuất khẩu đạt gần 30 tỷ USD (đứng thứ 4 trong các nước xuất khẩu dệt may trên thế giới), giải quyết việc làm cho 2.5 triệu lao động, đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước đã vinh dự là 1 trong 30 tập thể, cá nhân được tôn vinh lần này. Phát biểu tại Chương trình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các tập thể, cá nhân được vinh danh đều là những tấm gương tiêu biểu về tinh thần lao động năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khắc phục khó khăn, giành thành tích cao trong lĩnh vực hoạt động, công tác của mình. Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, giải quyết việc làm, thu nhập cho hàng triệu lao động, đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia, xây dựng thương hiệu, hình ảnh quốc gia ở khu vực và trên thế giới.
Ngành dệt may nâng cao năng lực nội tại, hướng tới giá trị cốt lõi: Ngành dệt may đang dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu, với tỷ trọng 16%. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dệt may chưa thực sự có nền tảng vững chắc, khi phần lớn vẫn sản xuất gia công và phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Do đó, nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh cho ngành thì cần nâng cao năng lực nội tại, hướng tới giá trị cốt lõi. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, quý 1 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam đạt trên 5 tỷ 600 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất, tiếp đó là Nhật Bản, Hàn Quốc… Đặc biệt 2 tháng đầu năm, tỷ lệ thặng dư trong xuất khẩu của ngành đạt tới 50%, điều này cho thấy chiến lược đa dạng hóa mặt hàng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu đã có hiệu quả. Nếu như năm 2016, xuất khẩu dệt may chỉ đạt mức tăng trưởng 9.2%, năm nay, kết quả này sẽ khả quan hơn với mức tăng trưởng dự kiến trên 10%. Đến thời điểm này, nhiều DN đã có đơn hàng đến hết tháng 8. Để đảm bảo xuất khẩu bền vững, ngành cần hình thành các chuỗi liên kết sản xuất sợi, dệt, nhuộm, may nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Tập trung đầu tư vào lĩnh vực cốt lõi, có lựa chọn, tránh dàn trải. Đồng thời, cần chú trọng tới thị trường nội địa, phát triển các sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong nước, xây dựng thương hiệu mới và các kênh tiêu thụ.
“Cú hích” cho sản phẩm dệt may thâm nhập thị trường Nga: Những năm gần đây, các DN thuộc VITAS đã nhận được nhiều đơn hàng của các DN Nga yêu cầu may các sản phẩm như jacket, quần jeans… Với nhu cầu lớn, mỗi năm nhập khẩu trên 10 tỷ USD các sản phẩm dệt may và mặc dù hàng dệt may Việt Nam còn chiếm tỷ trọng chưa đáng kể ở Nga nhưng đây được coi là thị trường đầy tiềm năng cho các DN Việt. Dệt may được đánh giá là ngành hàng hưởng lợi nhiều nhất khi FTA giữa Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) có hiệu lực mới đây và điều này được kỳ vọng sẽ tạo ra “cú hích” lớn cho xuất khẩu sang thị trường Nga. Kim ngạch xuất khẩu dệt may sang thị trường Nga dự kiến sẽ đạt hơn 1 tỷ USD, tương đương 10% dung lượng thị trường là hoàn toàn khả quan trong một vài năm tới. Hiện nay, mỗi năm, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu sang thị trường này khoảng 320 triệu USD mặt hàng dệt may, tương đương hơn 2% dung lượng thị trường. Điều này chưa tương xứng với tiềm năng của DN Việt Nam và dung lượng thị trường Nga. Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS cho biết, Nga có khí hậu khá lạnh nên thị trường Nga có nhu cầu lớn với các mặt hàng như jacket, jeans, áo thun… Đây là những mặt hàng mà các DN dệt may nhận được yêu cầu nhiều nhất thời gian qua. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao đưa được hàng vào thị trường Nga với mức giá cạnh tranh như hiện nay. Bởi, kinh tế Nga vẫn khó khăn, giá sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này không được "tốt" như thị trường các nước trong liên minh Châu Âu. Hơn nữa, ông Giang cho rằng, khoảng cách về địa lý giữa Việt Nam và Nga lại khá xa nên sẽ gặp khó khăn hơn trong vấn đề thanh toán. Dù Chi nhánh BIDV đã được mở tại Nga để phục vụ thanh toán trực tiếp, nhưng trong tương lai, nếu như lượng hàng xuất khẩu sang Nga dần gia tăng sẽ cần thêm nhiều chi nhánh Ngân hàng hơn để hỗ trợ DN thanh toán trực tiếp.
Ngành dệt may Việt Nam quý I: Tín hiệu tốt nhưng chưa bền vững: Từ đầu năm đến nay với dấu hiệu tốt từ thị trường, các DN dệt may đã có lượng đơn hàng đến hết quý III/2017, các chuyên gia trong ngành nhận định, xuất khẩu dệt may năm nay sẽ tăng trưởng khả quan. Ông Lê Tiến Trường – Phó Chủ tịch VITAS/TGĐ VINATEX đánh giá: Quý I/2017 đã qua, ngành dệt may đang bước sang quý II với nhiều tín hiệu tốt từ các thị trường, mặc dù chưa thể nói là bền vững. Tuy nhiên quý I toàn ngành đạt 6.75 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, đạt tốc độ tăng trưởng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Điểm đặc biệt của quý I /2017 đó là tăng trưởng ở các thị trường truyền thống không cao, thị trường Hoa Kỳ và EU chỉ tăng khoảng 6.3% - 6.4%. Nhưng nhiều thị trường mới đã có những tín hiệu tốt, trong đó, Liên minh Kinh tế Á - Âu có tốc độ tăng trưởng 115%; đối với Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã có tốc độ tăng ở 6 thị trường. Cụ thể: Thái Lan 17%, Indonesia 11%, Singapore 38%, Lào 24.5%, Campuchia 36% và Myanma 5%. Một trong những khách hàng truyền thống từ trước đến nay VN vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đó là Hàn Quốc với tốc độ tăng 14% ở quý I. Ngoài ra, có 2 quốc gia là Brazil và Ấn Độ có mức tăng trưởng rất tốt, lên đến 34%. Từ đó có thể thấy, những nỗ lực của việc chủ động tiếp cận, tận dụng và khai thác những hiệp định thương mại song phương và đa phương mới đã cho kết quả, mà phần lớn thành quả này đến từ Liên minh Kinh tế Á - Âu và Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Thêm vào đó là điểm đặc biệt về mặt hàng, với những mặt hàng truyền thống như áo thun, quần tiếp tục tăng trưởng tốt với tốc độ 13% – 17%, veston tăng 15%, còn những mặt hàng như sơ mi, jacket chỉ tăng trưởng khoảng 1%. Một số mặt hàng mới có tốc độ tăng trưởng tốt trong quý I là đồ bơi tăng 29%, quần áo mưa tăng 41%, quần áo gió tăng 18 lần và khăn tăng 31%. Việc có nhiều sản phẩm mới và nhiều cách tiếp cận thị trường đã và đang từng bước đem lại tốc độ tăng trưởng cao hơn, ổn định hơn và ít phụ thuộc hơn vào các thị trường truyền thống như các năm trước. Việc DN Việt Nam vượt qua được thách thức của 6 tháng cuối năm 2016 và quý I/2017 trong điều kiện kinh tế, tỷ giá, lãi suất của VN và các chi phí đầu vào tăng lên, là có nhiều sáng tạo và nhiều bài học mới. Ông Trường cho biết hiện tại, quý II/2017 vẫn nằm trong dự báo của ngành DMVN với tốc độ tăng trưởng 10% và có những tín hiệu rõ ràng là mục tiêu này có thể đạt được. Về việc 6 tháng cuối năm có đạt được tăng trưởng 10% hay không sẽ phải đợi hết tháng 5, tháng 6 khi việc thương lượng các đơn hàng đã hoàn thành thì lời giải mới rõ ràng hơn. Tuy nhiên với tín hiệu chung, ngành DM VN hoàn toàn tin tưởng mục tiêu 10% tăng trưởng của năm nay, tuy là mục tiêu cao nhưng với nỗ lực phấn đấu chung của toàn ngành và sự tập trung tốt về nguồn lực thì ngành DMVN có thể đạt được kết quả này.
Công ty CP May Sông Hồng được công nhận ưu tiên hải quan: Công ty CP May Sông Hồng là DN mới nhất trong ngành dệt may được Tổng cục Hải quan công nhận ưu tiên trong lĩnh vực hải quan. Thời hạn áp dụng ưu tiên cho DN là 3 năm. Sau thời hạn trên, nếu công ty đáp ứng các điều kiên quy định thì tiếp tục gia hạn áp dụng chế độ ưu tiên. Theo Cục Kiểm tra sau thông quan - Tổng cục Hải quan cho biết, hiện cả nước có 59/500.000 DN được công nhận ưu tiên trong lĩnh vực hải quan. Theo quy định tại Thông tư 72/2015/TT-BTC, DN được áp dụng chế độ ưu tiên phải đáp ứng đủ 6 nhóm điều kiện: điều kiện tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật về thuế; điều kiện về kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu (mỗi năm đạt từ 100 triệu USD trở lên); điều kiện về thủ tục hải quan điện tử, thủ tục thuế điện tử; điều kiện thanh toán hàng hóa xuất nhập khẩu; điều kiện về hệ thống kiểm soát nội bộ và điều kiện chấp hành tốt pháp luật về kế toán, kiểm toán. Với quyết định công nhận được ưu tiên về hải quan, các DN sẽ được hưởng nhiều ưu đãi như: miễn kiểm tra chứng từ, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa; thông quan bằng tờ khai chưa hoàn chỉnh; ưu tiên thứ tự làm thủ tục hải quan…
Nhiều cơ hội làm ăn với Hoa Kỳ: Các DN kỳ vọng cơ hội làm ăn với Hoa Kỳ sẽ nhiều hơn sau chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy lũy kế đến cuối tháng 5-2017, các nhà đầu tư Hoa Kỳ có tổng cộng 838 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 10,2 tỉ USD. Hoa Kỳ hiện đứng thứ 9 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Bên cạnh đầu tư, những năm qua, Hoa Kỳ là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là một trong các thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Đặc biệt, trong khi Việt Nam nhập siêu lớn từ một số thị trường, riêng Hoa Kỳ lại là đối tác giúp đem lại thặng dư thương mại lớn nhất cho nước ta trong nhiều năm qua. Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Garmex Sài Gòn, cho biết Hoa Kỳ là một trong những thị trường quan trọng hàng đầu của DN may xuất khẩu. Mấy năm qua, khi nhu cầu từ các thị trường khác giảm sút, Hoa Kỳ vẫn là thị trường đem lại tín hiệu tích cực với nhiều cơ hội phát triển. Kinh tế Hoa Kỳ đang hồi phục đã giúp các DN ngành dệt may có thêm đơn hàng và khách hàng. Hiện thị trường Hoa Kỳ chiếm hơn 50% thị phần xuất khẩu của Garmex Sài Gòn. "Đối tác, khách hàng Hoa Kỳ thường yêu cầu sự minh bạch, công bằng trong quá trình làm ăn và tiêu chuẩn của họ là sản phẩm chất lượng, đáp ứng được yêu cầu là hợp tác chứ không cần quen biết, quan hệ... Hoa Kỳ là thị trường lớn với nhiều tiềm năng, cơ hội hấp dẫn cho các DN Việt, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế của họ đang hồi phục" - ông Lê Quang Hùng nhận xét.
Khởi công xây dựng nhà máy may 300 tỷ đồng tại Sóc Trăng: Ngày 19/5/2017, Tổng Công ty May Nhà Bè – CTCP (NBC) tổ chức lễ khởi công xây dựng Nhà máy may Nhà Bè – Sóc Trăng, tổng kinh phí đầu tư 300 tỷ đồng tại phường 7, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Dự án này được xây dựng trên diện tích 6 hécta, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc hiện đại, sẽ giải quyết công ăn việc làm cho 4,000 lao động. Dự án chia thành hai giai đoạn: giai đoạn một, triển khai xây dựng từ nay đến tháng 02/2018; giai đoạn hai sẽ triển khai xây dựng vào năm 2019. Nhà máy chuyên sản xuất và kinh doanh sản phẩm may chất lượng cao, như: hàng veston, hàng quần, thời trang nữ, hàng thời trang các loại. Dự kiến, trong những năm đầu, năng lực sản xuất của nhà máy đạt từ 25 triệu đến 30 triệu sản phẩm/năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt từ 90 triệu đến 100 triệu USD/năm. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển tiềm năng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, gia tăng lợi nhuận, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng. NBC là một trong những DN hàng đầu trong ngành dệt may VN, với 37 đơn vị thành viên, gần 30 nghìn CBCNV, hơn 17 nghìn thiết bị máy móc chuyên dùng hiện đại, năng lực sản xuất hơn 6 triệu sản phẩm/tháng; kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 729 triệu USD, dự kiến đạt 820 triệu USD vào năm 2017.
"Lối mở" cho dệt may Việt Nam thâm nhập thị trường EU: Để tận dụng được cơ hội từ FTA, các DN dệt may VN cần chuẩn bị nguồn lực để đáp ứng điều kiện của hiệp định này đưa ra đó là hàng phải đảm bảo quy định về xuất xứ hàng hóa. Hiệp định FTA Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2018 và theo đó, thuế cho các mặt hàng may mặc của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu sẽ giảm dần về 0% trong khoảng 7 năm. Điều này sẽ tạo cơ hội cho ngành dệt may VN mở rộng thị trường và phát triển nhanh hơn. Nhưng để tận dụng được cơ hội này, các DN dệt may VN cần chuẩn bị nguồn lực để đáp ứng điều kiện của hiệp định này đưa ra đó là hàng phải đảm bảo quy định về xuất xứ hàng hóa. Châu Âu là một trong những thị trường rộng lớn, tiềm năng của ngành dệt may VN với kim ngạch xuất khẩu năm 2016 tới 3.5 tỷ USD (chỉ sau thị trường Hoa Kỳ). Ông Trương Văn Cẩm, PCT kiêm TTK VITAS cho biết, quy tắc xuất xứ là yếu tố quan trọng nhất trong EVFTA. Theo đó, các mặt hàng dệt may VN phải đảm bảo nguồn gốc xuất xứ hoàn toàn của VN, hoặc phải sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc EU và các nước có các hiệp định song phương với EU. Nếu VN đáp ứng được những quy định về những vấn đề này thì ngành dệt may VN sẽ phát triển một cách bền vững hơn. Tuy nhiên, đây lại là mặt yếu của ngành dệt may, bởi ngành này còn quá lệ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. Cụ thể, chỉ riêng mặt hàng vải, DN trong nước phải nhập khẩu tới 86% để phục vụ sản xuất và xuất khẩu, trong khi chất lượng vải trong nước lại chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu chính của dệt may.
TPP “dệt” thêm hy vọng cho ngành dệt may: Năm 2016 có thể nói là năm khó khăn nhất đối với ngành dệt may trong 10 năm trở lại đây, hoạt động kinh doanh của các DN ảm đạm kéo theo giá cổ phiếu giảm sâu. Việc đàm phán TPP bị thất bại khiến các DN dệt may VN vẫn phải chịu mức thuế suất cao hơn các nước khác. Tại thị trường châu Âu, VN phải chịu mức thuế suất từ 9-12% nhưng các nước khác như Campuchia, Lào hay Bangladesh là 0%. Điều đáng nói, trong năm 2016, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm trên 40% kim ngạch, đặc biệt, thị trường này hàng năm tiếp tục gia tăng thị phần. Bước sang năm 2017, nhiều chuyên gia cho rằng khó khăn đối với ngành dệt may vẫn còn. Tuy nhiên, mới đây truyền thông trong nước đã trích dẫn nhận định từ tạp chí The Economist về khả năng “sống lại” của hiệp định TPP. Theo đó, 11 nước trong TPP không bao gồm Hoa Kỳ sẽ một lần nữa họp tại Hà Nội, trong cuộc họp mà Economist nhận định là có thể giúp hồi sinh TPP. Dù hiện tại vẫn chưa thể hy vọng nhiều vào sự kiện này, tuy nhiên thị trường đã có phản ứng tích cực trước thông tin trên. Hầu hết các cổ phiếu tiềm năng trong nhóm cổ phiếu dệt may đã tăng mạnh, trong 10 mã thì đến 8 mã tăng. Trong đó, cổ phiếu VGT của VINATEX tăng nhẹ 1,6%. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, TPP không phải là tất cả, bởi ngoài TPP còn có Hiệp định FTA với các nước châu Âu (EVFTA), khả năng sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2018, kỳ vọng hỗ trợ kim ngạch xuất khẩu sang EU và thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất vải. EU là bạn hàng lớn thứ 2 sau Hoa Kỳ, với tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu duy trì ở mức 13% trong 2 năm gần đây. Ngoài việc thúc đẩy giao thương, quy tắc xuất xứ từ vải trở đi sẽ là động lực để các DN trong ngành tháo “nút thắt cổ chai” ở khâu sản xuất vải của các DN Việt Nam. Các hiệp định FTA khác với Liên minh Kinh tế Á Âu (VN-EAEU FTA) có hiệu lực từ ngày 5/10/2016 và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đang trong quá trình đàm phán sẽ góp phần tăng trưởng của ngành dệt may. Theo VITAS, VN-EAEU FTA có thể giúp kim ngạch xuất khẩu hai chiều tăng 50% trong năm 2017 và xấp xỉ 20%/năm trong giai đoạn 2018-2022. Khó khăn nằm ở chỗ ngành đang XK với phương thức gia công may mặc đơn giản, chiếm tỷ lệ xấp xỉ 70% và “nút thắt cổ chai” ở khâu xuất khẩu vải. Đặc biệt, các DN lại thiếu động lực cải thiện trước nguy cơ đổ vỡ của TPP. Do vậy, TPP vẫn là “pháo cứu sinh” tốt nhất cho ngành dệt may, đồng thời các DN cũng cần tự cải thiện mình để phát triển bằng cách đầu tư nhà máy, nâng cao năng lực sản xuất để giảm tỷ lệ gia công may mặc hay tháo gỡ “nút thắt” ở khâu xuất khẩu vải.
Hiệp hội Dệt May Bình Dương và Công đoàn ngành Dệt May tỉnh Bình Dương ký Thỏa ước Lao động tập thể: Ngày 26/05/2017 tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, Hiệp hội Dệt May Bình Dương và Công đoàn ngành Dệt May tỉnh Bình Dương đã ký Thỏa ước Lao động tập thể (TƯLĐTT) lần thứ 3 của ngành Dệt May tỉnh Bình Dương. Ông Lê nho Thướng – Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam và Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó TTK VITAS đã tham dự lễ ký. TƯLĐTT ngành dệt may tỉnh Bình Dương lần thứ 3 đã tiếp tục thừa kế và phát huy những kết quả đạt được của lần thứ 1 và thứ 2, có điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung nội dung cho phù hợp hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều DN cùng ngành nghề tham gia, chú trọng hơn trong việc tạo sự khác biệt, nổi trội hơn khi so sánh giữa DN có tham gia TƯLĐTT và DN không tham gia… Ông Lê Hồng Phoa – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Bình Dương và ông Đặng Thanh Vân – Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt May tỉnh Bình Dương đã ký bản TƯLĐTT lần thứ 3 trước sự chứng kiến của các đại biểu.
Chương trình YEN-D (Young Entrepreneurs Network Development) mùa 3 được Cục Ngoại Thương Thái Lan phối hợp cùng Đại học Thammasat & Thương Vụ Thái Lan tại các quốc gia khối CLMV tổ chức đã diễn ra vào tháng 5/2017 tại Thái Lan. Phía Việt Nam có đại diện của 30 Doanh nghiệp, phía Thái Lan cũng có 30 Doanh nghiệp, hầu hết họ đều là chủ DN hoặc các cán bộ cấp cao còn rất trẻ, có nhu cầu rất lớn để tìm kiếm bạn hàng, thiết lập kênh phân phối sang Việt Nam và nhu cầu mua nguyên liệu từ VN xuất sang Thái Lan. Qua 4 ngày làm việc, các mô hình làm việc teamwork, hội thảo, business-matching...đã được tổ chức rất năng động và hấp dẫn, mang lại nhiều tiềm năng hợp tác cho các DN tham gia. Phía Hiệp hội Dệt May Việt Nam có đại diện 3 đơn vị thành viên tham gia, gồm Khu Công nghiệp Bảo Minh, Công ty May Sài gòn 2, Công ty COMO
Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định về nhãn hàng hóa có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2017: Theo Nghị định, nhãn hàng hóa phải được nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa yêu cầu tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc ghi nhãn thì tổ chức, cá nhân đó vẫn phải chịu trách nhiệm về nhãn hàng hóa của mình. Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc.
Nghị định 44/2017/NĐ-CP quy định giảm mức đóng BHXH cho người sử dụng lao động bắt đầu từ ngày 1/6/2017. Theo đó, mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ BH tai nạn lao động, bênh nghề nghiệp của người sử dụng lao động sẽ được giảm một nửa so với hiện hành theo quy định tại Điều 4 Nghị định 37/2016/NĐ-CP. Mức đóng cụ thể là 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động được quy định tại điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 Luật BHXH và 0,5% trên mức lương cơ sở đối với người lao động được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 Luật BHXH. Mức đóng này có thể được xem là tạm thời, căn cứ vào khả năng bảo đảm cân đối Quỹ BH tai nạn lao động, bênh nghề nghiệp Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức này từ ngày 01/01/2020.
Thông tư 11/2017/TT-BLĐTBXH của Bộ lao động và Thương binh xã hội quy định người lao động đăng ký tham gia dự án, hoạt động thực hiện chính sách việc làm công được thỏa thuận tiền công và thời gian làm việc: Tuy nhiên, việc thỏa thuận này phải đảm bảo không thấp hơn lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm đủ 8h/ngày và 26 ngày/tháng. Trường hợp người lao động làm không đủ 8h/ngày hoặc 26 ngày/tháng thì tiền công tính theo giờ và không được thấp hơn tiền lương tối thiểu vùng chia 26 ngày và chia 8h. Thông tư 11/2017/TT-BLĐTBXH cũng quy định người lao động được thỏa thuận thời gian làm việc không quá 8h/ngày. Trường hợp làm thêm thì tổng số giờ làm việc và số giờ làm thêm không quá 12h/ngày. Người lao động được nghỉ ít nhất 1 ngày/tuần hoặc trung bình 4 ngày/tháng đối với trường hợp chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần. Thông tư 11/2017/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/6/2017.
Thông tư 31/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định rút ngắn thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT): Đây là nội dung mới của Thông tư này sửa đổi Thông tư 99/2016/TT-BTC hướng dẫn về quản lý hoàn thuế GTGT. Thời gian hoàn thuế cho người nộp thuế sẽ được rút ngắn từ 3 ngày xuống còn 1 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Lệnh hoàn trả khoản thu Ngân sách Nhà nước hoặc Lệnh hoàn trả kiêm bù trừ khoản thu Ngân sách Nhà nước do cơ quan thuế chuyển đến. Thông tư 31/2017/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 2/6/2017.
Ngày 15/5/2017, Tổng cục thuế đã ban hành Công văn 1966/TCT-CS hướng dẫn về việc rút ngắn thời gian mua hóa đơn cho DN, tổ chức, hộ/cá nhân: Theo đó, các DN, tổ chức, hộ, cá nhân thuộc trường hợp mua hóa đơn của cơ quan thuế sẽ được mua hóa đơn ngay trong ngày. Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương cần chỉ đạo các bộ phận/đơn vị trong mỗi Cục Thuế phải nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính hóa đơn, cắt giảm thời gian cho DN, tổ chức, hộ/cá nhân. Chỉ đạo trên nhằm thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.
Thông tin về tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH: Thực hiện công văn số 490/VPCP-CN ngày 18/1/2017 của Văn phòng Chính Phủ đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản trả lời Hiệp hội Dệt may Việt Nam về kiến nghị liên quan đến thời điểm thực hiện đóng bảo hiểm xã hội theo tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có văn bản trả lời hướng dẫn cụ thể tại công văn số 1836/LĐTBXH-BHXH ngày 15/5/2017. Công văn được đăng trên website của Hiệp hội, mời DN hội viên tham khảo tại link: http://www.vietnamtextile.org.vn/bo-lao-dong- thuong-binh-xa-hoi-ve-viec-tra-loi-kien-nghi-cua-hie_p1_1-1_2-1_3-757_4-2129.html
Bộ phận tiếp nhận ý kiến đóng góp trong các vấn đề liên quan đến chính sách về quan hệ lao động, tiền lương, luật lao động: vướng mắc, khó khăn để tư vấn, tháo gỡ: Ms. Hà – Phó Ban Hội viên : Email: hant@vietnamtextile.org.vn – : ĐT 04.39349608 . Xin chân thành cảm ơn.
Đơn vị: Triệu USD
TT |
Chủng loại |
T4/17 |
So T3/17 (%) |
So T4/16 (%) |
4T/17 |
So 4T/16 (%) |
ƯT5/17 |
So T4/17 (%) |
So T5/16 (%) |
Ư5T/17 |
So 5T/16 (%) |
|
XK Dệt May |
1,874 |
-4.73 |
7.58 |
7,479 |
9.15 |
1,900 |
1.39 |
7.28 |
9,379 |
8.97 |
Trong đó, XK vải |
102 |
-6.42 |
13.33 |
380 |
15.15 |
100 |
-1.96 |
16.28 |
480 |
15.38 |
|
XK Xơ Sợi |
288 |
-1.37 |
22.03 |
1,068 |
27.45 |
280 |
-2.78 |
18.14 |
1,348 |
25.40 |
|
XK Vải không dệt |
40 |
-20.00 |
14.29 |
157 |
8.28 |
40 |
0.00 |
8.11 |
197 |
8.24 |
|
XK NPL Dệt May |
84 |
-13.26 |
-6.77 |
318 |
70.94 |
87 |
3.54 |
24.33 |
405 |
16.76 |
|
1 |
Tổng Xuất khẩu |
2,286 |
-4.98 |
8.69 |
9,022 |
12.48 |
2,307 |
0.92 |
9.08 |
11,329 |
10.95 |
2 |
Tổng Nhập khẩu |
1,646 |
-3.90 |
5.88 |
5,766 |
12.16 |
1,817 |
10.38 |
14.48 |
7,584 |
12.63 |
|
Bông |
207 |
1.54 |
47.19 |
778 |
42.01 |
245 |
18.27 |
85.30 |
1,023 |
50.43 |
|
Xơ sợi các loại |
143 |
2.42 |
9.01 |
562 |
18.80 |
164 |
14.37 |
19.92 |
726 |
18.95 |
|
Vải |
991 |
-0.20 |
-0.16 |
3,336 |
6.71 |
1,100 |
11.00 |
7.33 |
4,436 |
6.82 |
|
NPL DM |
304 |
-18.98 |
5.11 |
1,091 |
9.68 |
308 |
1.14 |
5.00 |
1,400 |
8.43 |
3 |
NK cho XK |
1,317 |
-4.85 |
7.72 |
4,602 |
14.98 |
1,457 |
10.59 |
16.55 |
6,058 |
15.11 |
4 |
Cân đối X-NK (1-3) |
969 |
-5.16 |
10.04 |
4,420 |
9.98 |
851 |
-12.22 |
-1.70 |
5,271 |
6.52 |
5 |
Tỷ lệ GTGT (4/1) |
42.4% |
-9.4% |
0.5% |
49.0% |
-1.1% |
36.9% |
-12.1% |
-15.1% |
46.5% |
-1.9% |
Thị trường |
Tháng 4/2017 |
4 tháng 2017 |
||
Trị giá (USD) |
so T4/2016 (%) |
Trị giá (USD) |
so 2016 (%) |
|
USA |
924,632,249 |
4.72 |
3,636,577,802 |
6.96 |
EU |
247,783,705 |
2.4 |
966,895,231 |
5.22 |
England |
49,182,504 |
3.51 |
201,316,432 |
-1.38 |
Germany |
53,407,096 |
-1.24 |
192,320,437 |
1.05 |
Netherlands |
39,103,341 |
-2.93 |
150,146,779 |
7.02 |
France |
30,682,958 |
6.11 |
119,338,423 |
20.72 |
Spain |
24,934,084 |
11.72 |
109,652,620 |
-2 |
Belgium |
18,271,740 |
14.49 |
62,850,449 |
7.95 |
Italia |
13,662,448 |
3.67 |
59,289,340 |
23.55 |
Sweden |
4,730,062 |
-15.43 |
21,225,006 |
9.24 |
Denmark |
4,996,546 |
4.53 |
19,729,445 |
3.84 |
Austria |
4,211,228 |
1.58 |
11,543,419 |
32.31 |
Poland |
2,519,058 |
-27.91 |
10,682,539 |
-20.03 |
Greece |
813,187 |
13.38 |
3,306,698 |
55.72 |
Finland |
292,766 |
-35.71 |
1,949,045 |
-5.36 |
Czech Rep. |
295,229 |
6.64 |
1,782,887 |
11.23 |
Hungary |
533,002 |
|
1,010,411 |
|
Slovakia |
148,456 |
-45.93 |
751,301 |
-20.27 |
Japan |
222,454,990 |
7.83 |
935,901,850 |
10.74 |
Korea |
170,854,758 |
15.42 |
786,755,095 |
16.18 |
China |
61,787,397 |
22.66 |
251,249,064 |
35.81 |
ASEAN |
65,926,723 |
22.34 |
244,062,458 |
23.72 |
Cambodia |
22,297,908 |
28.69 |
94,765,411 |
38.17 |
Indonesia |
12,663,876 |
17.67 |
41,075,361 |
10.34 |
Thailand |
7,547,352 |
26.08 |
29,327,007 |
23.43 |
Malaysia |
8,419,780 |
15.72 |
28,144,048 |
11.26 |
Philippine |
8,305,407 |
40.73 |
26,034,097 |
18.61 |
Singapore |
6,336,603 |
7.54 |
22,763,856 |
26.5 |
Laos |
355,797 |
-52 |
1,952,678 |
-20.29 |
Canada |
38,761,402 |
15.06 |
145,979,523 |
7.58 |
Taiwan |
15,734,707 |
-10.81 |
63,768,745 |
-20.56 |
Hongkong |
16,585,921 |
1.22 |
62,371,779 |
3.17 |
Australia |
12,663,628 |
-2.21 |
54,957,609 |
9.57 |
Russia |
20,590,957 |
154.86 |
51,943,520 |
146.47 |
Chile |
8,103,777 |
67.19 |
26,999,664 |
27.43 |
UAE |
6,981,680 |
-24.64 |
25,590,368 |
-20.77 |
Mexico |
8,930,459 |
5.12 |
25,332,481 |
-3.4 |
Bangladesh |
4,531,069 |
6.45 |
19,293,525 |
20.45 |
Brazil |
3,925,851 |
2.46 |
17,249,554 |
21.32 |
Arab Saudi |
4,332,716 |
-22.59 |
15,529,735 |
-14.1 |
India |
3,832,039 |
67.41 |
13,382,433 |
66.82 |
South Africa |
1,987,216 |
48 |
8,572,591 |
27.68 |
Turkey |
2,413,171 |
1.99 |
6,477,217 |
-15.21 |
Norway |
940,126 |
-32.38 |
6,425,703 |
-19.27 |
Argentina |
1,488,279 |
64.45 |
6,258,816 |
2.25 |
New Zealand |
1,244,678 |
53.83 |
5,738,034 |
40.59 |
Israel |
760,474 |
-18.35 |
5,600,345 |
25.7 |
Panama |
1,990,822 |
3.01 |
5,195,465 |
-14.93 |
Myanmar |
1,471,464 |
94.12 |
4,333,300 |
44.69 |
Switzerland |
845,692 |
-8.36 |
3,226,588 |
20.09 |
Nigeria |
750,845 |
18.54 |
2,957,243 |
21.61 |
Côte d’Ivoire |
2,024,596 |
6913.29 |
2,034,986 |
1423.17 |
Ghana |
|
-100 |
2,003,565 |
-56.3 |
Angola |
463,876 |
103.74 |
1,417,242 |
75.73 |
Egypt |
546,374 |
30.49 |
1,121,948 |
-44.31 |
Ukraine |
348,864 |
-34.26 |
686,872 |
-45.28 |
Senegal |
67,673 |
-58.9 |
209,387 |
-95.07 |
Chủng loại và kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam 4 tháng năm 2017
Chủng loại |
Thang 4/2017 |
4 thang 2017 |
|||
Kim ngạch (USD) |
so T3/2017 (%) |
so T4/2016 (%) |
Kim ngạch (USD) |
so 2016 (%) |
|
áo thun |
459,598,180 |
-11.62 |
25.21 |
1,752,008,226 |
21.18 |
Quần |
321,074,398 |
-8.51 |
8.06 |
1,328,772,175 |
13.71 |
áo Jacket |
221,406,964 |
9.58 |
-1.26 |
916,193,610 |
-1.44 |
Váy |
124,588,175 |
-20.34 |
-4.71 |
511,054,732 |
-6.11 |
Qáo trẻ em |
127,763,958 |
-0.55 |
22.43 |
457,505,337 |
17.30 |
Quần Short |
91,711,922 |
-35.78 |
-0.45 |
453,777,634 |
9.34 |
áo sơ mi |
106,055,486 |
-21.51 |
-2.14 |
447,729,840 |
4.88 |
Đồ lót |
99,381,874 |
2.46 |
9.80 |
370,140,207 |
29.00 |
Vải |
94,489,145 |
-13.12 |
12.48 |
350,904,380 |
15.34 |
áo |
32,140,795 |
-16.02 |
-53.05 |
163,943,047 |
-37.92 |
Quần áo bơi |
23,673,857 |
-26.78 |
48.31 |
105,791,388 |
32.79 |
Qáo BHLD |
24,686,284 |
-17.40 |
-1.06 |
98,430,017 |
10.27 |
Qáo Vest |
16,183,365 |
-27.34 |
-1.94 |
74,884,121 |
9.66 |
Găng tay |
19,988,039 |
0.56 |
4.91 |
72,759,295 |
8.12 |
Khăn bông |
17,021,884 |
-15.42 |
2.43 |
64,114,754 |
3.15 |
Hàng may mặc |
8,922,327 |
-22.92 |
-11.49 |
36,791,156 |
-10.67 |
Quần áo ngủ |
10,671,334 |
17.21 |
-12.46 |
36,365,187 |
-15.86 |
áo len |
7,736,529 |
-27.01 |
33.36 |
35,194,405 |
17.76 |
Màn |
7,501,244 |
-29.20 |
19.53 |
26,435,700 |
-20.13 |
Bít tất |
6,128,157 |
0.01 |
22.78 |
25,154,869 |
28.03 |
áo Kimono |
4,967,403 |
-14.04 |
-0.65 |
18,543,979 |
-1.48 |
Quần Jean |
7,693,475 |
189.80 |
107.69 |
17,205,468 |
37.27 |
PL may |
3,707,433 |
-9.65 |
74.28 |
15,189,360 |
93.85 |
áo Ghile |
3,470,133 |
-10.08 |
-17.17 |
14,430,639 |
-15.87 |
Chủng loại |
Thang 4/2017 |
4 thang 2017 |
|||
Kim ngạch (USD) |
so T3/2017 (%) |
so T4/2016 (%) |
Kim ngạch (USD) |
so 2016 (%) |
|
Qáo mưa |
2,424,822 |
-10.94 |
-12.63 |
10,772,376 |
14.53 |
áo đạo hồi |
2,739,944 |
-17.04 |
-49.21 |
8,786,365 |
-36.30 |
áo nỉ |
246,577 |
-30.07 |
-13.46 |
1,824,558 |
7.01 |
áo gió |
338,461 |
-13.34 |
864.77 |
1,359,126 |
417.11 |
Caravat |
244,920 |
0.41 |
-44.50 |
1,039,010 |
-39.28 |
Khăn |
250,603 |
81.37 |
24.04 |
973,628 |
32.91 |
áo HQ |
192,239 |
35.79 |
-37.67 |
588,985 |
-48.66 |
Khăn bàn |
35,001 |
-40.77 |
-49.73 |
202,946 |
-2.97 |
Một số doanh nghiệp xuất khẩu điển hình trong tháng 4 năm 2017 (1000 USD)
Doanh nghiệp |
Kim ngạch |
Doanh nghiệp |
Kim ngạch |
Tổng Cty CP May Việt Tiến |
37,896 |
Cty TNHH Haivina |
8,520 |
Cty TNHH may Tinh Lợi |
36,340 |
Cty TNHH E-Top Việt Nam |
7,989 |
Cty CP May Sông Hồng |
23,108 |
Cty SCAVI Huế |
7,982 |
Cty TNHH GAIN LUCKY (Việt Nam) |
20,423 |
Cty TNHH SHINTS BVT |
7,964 |
Cty TNHH PANKO VINA |
19,875 |
Cty TNHH TAV |
7,902 |
Cty TNHH Hanesbrands VN Huế |
19,668 |
Cty TNHH VIET PACIFIC CLOTHING |
7,697 |
Tổng Cty CP Dệt may Hòa Thọ |
17,363 |
Cty TNHH ESQUEL GARMENT MANUFACTURING (Việt Nam) |
7,570 |
Cty TNHH Worldon (Việt Nam) |
16,015 |
Cty CP dệt 10/10 |
7,348 |
Cty TNHH Dệt May Eclat Việt Nam |
14,384 |
Cty TNHH CRYSTAL MARTIN (VN) |
7,146 |
Cty TNHH NOBLAND VIệT NAM |
14,170 |
Cty CP MAY Sài Gòn 3 |
7,137 |
Tổng Cty May 10 - Cty CP |
14,115 |
Cty CP DM- ĐT- TM Thành Công |
7,137 |
Cty TNHH FASHION GARMENTS 2 |
14,090 |
Cty TNHH SHINWON EBENEZER VN |
7,129 |
Cty TNHH DIN SEN VIệT NAM |
13,905 |
Cty TNHH Dệt may Hoa Sen |
7,034 |
Cty CP - Tcty May Bắc Giang |
12,749 |
Cty TNHH Hansae TG |
7,029 |
Cty TNHH HANSAE VIệT NAM |
12,403 |
Cty CP may xuất khẩu Hà Bắc |
6,964 |
Cty CP May Xuất Khẩu Hà Phong |
12,359 |
Cty TNHH MAY TRịNH VươNG |
6,959 |
Cty TNHH HANESBRANDS VN |
11,689 |
Cty CP May Tiền Tiến |
6,905 |
Cty TNHH REGINA MIRACLE INTERNATIONAL Việt Nam |
11,615 |
Cty TNHH May Mặc Alliance One |
6,896 |
Cty TNHH May Mặc BOWKER (VN) |
11,412 |
Cty TNHH SESHIN Việt Nam |
6,811 |
Cty TNHH SAKURAI Việt Nam |
11,374 |
Cty TNHH may mặc MAKALOT VN |
6,778 |
Cty TNHH HANSAE T N |
11,090 |
Cty TNHH YAKJIN Việt Nam |
6,771 |
Cty TNHH EINS VINA |
10,874 |
Cty CP sản xuất hàng thể thao |
6,764 |
Cty CP Quốc Tế Phong Phú |
10,798 |
Cty Thương mại VINA KYUNGSEUNG |
6,632 |
Cty TNHH Youngor Smart Shirts VN |
10,725 |
Tổng Cty May Hưng Yên - Cty CP |
6,514 |
Cty TNHH ESPRINTA (Việt Nam) |
10,571 |
Cty TNHH Namyang Sông Mây |
6,486 |
Cty TNHH Quốc tế Chutex |
10,363 |
Cty TNHH SHINWON EBENEZER HN |
6,410 |
TổNG Cty MAY NHà Bè - Cty CP |
10,230 |
Cty TNHH Triumph International VN |
6,351 |
Cty TNHH MAY MINH ANH |
9,911 |
Tổng Cty Đức Giang - Cty CP |
6,293 |
Cty TNHH, Liên Doanh Vĩnh Hưng |
9,863 |
Cty TNHH SX ĐT và TM Taad Việt Nam |
6,258 |
Cty TNHH YOUNGONE Nam Định |
9,101 |
Cty TNHH may NIEN HSING VN |
6,157 |
Cty TNHH Apparel Far Eastern (Vietnam) |
8,803 |
Cty TNHH THờI TRANG STAR |
5,949 |
(Nguồn: Trung tâm TTTM – Bộ Công Thương, số liệu ước mang tính tham khảo)
Nhập khẩu bông của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2017 ước đạt 566 ngàn tấn, trị giá 1023 triệu USD, tăng 27.1% về lượng và 50.4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016. Tính riêng tháng 5/2017, nhập khẩu bông của nước ta ước đạt 130 ngàn tấn, trị giá 245 triệu USD, tăng 16.2% về lượng và 18.3% về trị giá so với tháng trước đó, tăng 47.5% về lượng và 85.3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016. Giá bông nhập khẩu của nước ta trong tháng 5/2017 tiếp tục tăng nhẹ so với tháng trước, đạt 1,885 USD/tấn, tăng 1.76% so với tháng trước đó và tăng 25.58% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 5 tháng đầu năm 2017, giá bông nhập khẩu trung bình của Việt Nam đạt 1,809 USD/tấn, tăng 18.34% so với cùng kỳ năm ngoái.
(Lượng: tấn, Trị giá: 1,000 USD)
Thị trường |
T4/2017 |
4T/2017 |
So 4T/16(%) |
||||||
Lượng |
Trị giá |
Đơn giá |
Lượng |
Trị giá |
Đơn giá |
Lượng |
Trị giá |
Đơn giá |
|
USA |
78,419 |
148,271 |
1,891 |
256,856 |
471,931 |
1,837 |
70.8 |
98.6 |
16.3 |
India |
11,955 |
20,187 |
1,689 |
80,215 |
133,070 |
1,659 |
15.9 |
32.7 |
14.5 |
Côte d’Ivoire |
4,013 |
7,065 |
1,761 |
9,122 |
15,257 |
1,673 |
-22.9 |
-12.7 |
13.2 |
Brazil |
2,838 |
5,295 |
1,866 |
19,153 |
33,854 |
1,768 |
-65.3 |
-60.1 |
15 |
Indonesia |
342 |
465 |
1,359 |
1,096 |
1,244 |
1,135 |
-11.4 |
22.1 |
37.8 |
Argentina |
255 |
459 |
1,801 |
1,772 |
2,990 |
1,687 |
275.4 |
399.5 |
33.1 |
Pakistan |
206 |
298 |
1,447 |
1,073 |
1,310 |
1,221 |
|
|
|
Korea |
180 |
255 |
1,417 |
740 |
940 |
1,270 |
129.8 |
53.2 |
-33.3 |
Taiwan |
108 |
174 |
1,610 |
398 |
648 |
1,629 |
-63.5 |
-54.8 |
23.6 |
China |
55 |
|
|
118 |
281 |
2,381 |
-84.8 |
-77.5 |
48.4 |
Australia |
50 |
100 |
2,004 |
4,198 |
7,771 |
1,851 |
-75.3 |
-73.3 |
8.2 |
Nhập khẩu xơ, sợi nguyên liệu của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2017 ước đạt 352 ngàn tấn, trị giá 726 triệu USD, tăng 4.6% về lượng và 18.9% về trị giá so với cùng kỳ 2016. Tính riêng tháng 5/2017 nhập khẩu xơ sợi nguyên liệu của nước ta ước đạt 80 ngàn tấn, trị giá 164 triệu USD, tăng 15.9% về lượng và 14.4% về trị giá so với tháng trước và tăng 6.5% về lượng và 19.9% về trị giá so với cùng kỳ 2016. Giá sợi nhập khẩu trung bình trong tháng 5/2017 đạt 2,050 USD/tấn, giảm 1.31% so với tháng trước đó và tăng 12.6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 5 tháng 2017 giá sợi nhập khẩu trung bình ddatj,061 USD/tấn, tăng 13.7% so cùng kỳ 2016.
Giá xơ nguyên liệu nhập khẩu của VN trong tháng 4 trung bình đạt 1,762 USD/tấn, tăng 4.02% so với tháng trước và tăng 46.4% so với cùng kỳ 2016.
|
(Lượng: tấn, trị giá: nghìn USD, Đơn giá: USD/tấn)
Thị trường |
3T/2017 |
So 3T/16(%) |
||||
Lượng |
Trị giá |
Giá |
Lượng |
Trị giá |
Giá |
|
China |
56,142 |
148,133 |
2,639 |
-3.16 |
24.52 |
28.58 |
Taiwan |
19,502 |
43,066 |
2,208 |
20.58 |
29.15 |
7.11 |
Korea |
9,612 |
30,514 |
3,175 |
23.13 |
20.19 |
-2.39 |
India |
14,039 |
29,721 |
2,117 |
89.24 |
61.79 |
-14.5 |
Indonesia |
10,062 |
18,197 |
1,808 |
22.16 |
4.67 |
-14.32 |
USA |
3,909 |
8,046 |
2,058 |
871.33 |
523.01 |
-35.86 |
Thailand |
3,467 |
7,996 |
2,306 |
26.21 |
34.18 |
6.32 |
Hongkong |
988 |
7,926 |
8,024 |
7.63 |
-2.32 |
-9.25 |
Japan |
1,386 |
7,716 |
5,568 |
27.89 |
13.66 |
-11.13 |
Pakistan |
1,383 |
4,871 |
3,523 |
97.21 |
152.98 |
28.28 |
Malaysia |
4,615 |
4,602 |
997 |
-1.14 |
0.33 |
1.49 |
Singapore |
264 |
3,158 |
11,982 |
-26.6 |
110.24 |
186.42 |
Brazil |
62 |
3,083 |
49,843 |
139.17 |
167.44 |
11.82 |
Benin |
1,386 |
2,969 |
2,142 |
|
|
|
Côte d’Ivoire |
904 |
1,560 |
1,726 |
|
|
|
Togo |
497 |
1,062 |
2,135 |
|
|
|
Senegal |
598 |
1,033 |
1,726 |
|
|
|
Iran |
30 |
868 |
29,413 |
168.18 |
167.44 |
-0.28 |
Bangladesh |
124 |
668 |
5,408 |
-91.98 |
-59.51 |
404.56 |
Italia |
49 |
636 |
12,958 |
12.62 |
20.77 |
7.24 |
France |
7 |
565 |
80,678 |
195.76 |
1.112.97 |
310.12 |
Russia |
282 |
556 |
1,972 |
|
|
|
Mexico |
215 |
372 |
1,730 |
|
|
|
Philippines |
68 |
321 |
4,729 |
-68.69 |
-75.36 |
-21.31 |
Netherland |
64 |
270 |
4,189 |
|
|
|
Papua New Guinea |
19 |
263 |
13,695 |
-79.74 |
-50.01 |
146.73 |
Turkey |
49 |
260 |
5,247 |
10.62 |
22.38 |
10.63 |
Venezuela |
23 |
203 |
9,004 |
|
|
|
England |
50 |
144 |
2,865 |
6.935.87 |
242.24 |
-95.14 |
New Zealand |
4 |
116 |
29,693 |
-41.6 |
-17.94 |
40.51 |
Germany |
41 |
110 |
2,716 |
19.931.08 |
2.382.29 |
-87.61 |
Spain |
19 |
110 |
5,737 |
112.751.35 |
15579.6 |
-86.11 |
Cambodia |
26 |
76 |
2,954 |
|
|
|
Israel |
5 |
58 |
10,648 |
716.19 |
1144.27 |
52.45 |
Bulgaria |
7 |
44 |
6,338 |
14.191.91 |
8526.24 |
-39.64 |
Belgium |
59 |
17 |
283 |
118.31 |
21.3 |
-44.44 |
Portugal |
2 |
16 |
7,030 |
|
|
|
Greece |
17 |
7 |
383 |
|
|
|
Sri Lanka |
0 |
3 |
9,937 |
|
|
|
Slovenia |
0 |
1 |
6,915 |
24.56 |
-27.82 |
-42.05 |
Estonia |
0 |
1 |
60,710 |
|
|
|
(Lượng: tấn, trị giá: nghìn USD, Đơn giá: USD/tấn)
Thị trường |
4T/2017 |
So 4T/16(%) |
Tỷ trong 4T/17(%) |
Tỷ trong 4T/16(%) |
||||
Lượng |
Trị giá |
Giá |
Lượng |
Trị giá |
Giá |
|||
USA |
128,236 |
239,219 |
1,865 |
829,076.39 |
1232414.30 |
48.64 |
64.22 |
0.02 |
Taiwan |
24,691 |
30,448 |
1,233 |
-15.13 |
-17.24 |
-2.48 |
8.17 |
34.98 |
China |
19,761 |
27,805 |
1,407 |
8.57 |
29.25 |
19.05 |
7.46 |
20.45 |
Thailand |
16,758 |
21,575 |
1,287 |
-6.34 |
26.91 |
35.51 |
5.79 |
16.16 |
Korea |
11,710 |
17,403 |
1,486 |
-1 |
7.66 |
8.75 |
4.67 |
15.37 |
Indonesia |
4,145 |
4,810 |
1,160 |
-8.81 |
16.33 |
27.57 |
1.29 |
3.93 |
India |
3,202 |
6,148 |
1,920 |
658.89 |
642.68 |
-2.14 |
1.65 |
0.79 |
Côte d’Ivoire |
2,948 |
5,167 |
1,753 |
|
|
|
1.39 |
0 |
Benin |
1,322 |
2,247 |
1,700 |
|
|
|
0.6 |
0 |
Malaysia |
1,134 |
1,331 |
1,174 |
81.1 |
110.12 |
16.02 |
0.36 |
0.6 |
Brazil |
1,066 |
1,940 |
1,820 |
|
|
|
0.52 |
0 |
Andorra |
927 |
1,739 |
1,876 |
|
|
|
0.47 |
0 |
Japan |
871 |
3,478 |
3,992 |
-41.44 |
-42.6 |
-1.97 |
0.93 |
5.76 |
Slovenia |
812 |
2,040 |
2,511 |
248.69 |
219.77 |
-8.3 |
0.55 |
0.61 |
Germany |
801 |
2,327 |
2,904 |
1,180.85 |
1.275.23 |
7.37 |
0.62 |
0.16 |
Australia |
425 |
878 |
2,066 |
1,936.75 |
1.487.94 |
-22.04 |
0.24 |
0.05 |
UAE |
204 |
310 |
1,518 |
|
|
|
0.08 |
0 |
Singapore |
185 |
2,096 |
11,353 |
554.52 |
612.77 |
8.9 |
0.56 |
0.28 |
El Salvador |
145 |
61 |
420 |
|
|
|
0.02 |
0 |
South Africa |
135 |
71 |
525 |
-27.92 |
-33.73 |
-8.06 |
0.02 |
0.1 |
Mexico |
131 |
224 |
1,710 |
|
|
|
0.06 |
0 |
England |
115 |
336 |
2,927 |
257.73 |
255.68 |
-0.57 |
0.09 |
0.09 |
Nigeria |
110 |
193 |
1,750 |
|
|
|
0.05 |
0 |
Belgium |
82 |
42 |
511 |
-22.06 |
-74.92 |
-67.83 |
0.01 |
0.16 |
Hongkong |
59 |
137 |
2,299 |
2,087.24 |
96.18 |
-91.03 |
0.04 |
0.07 |
Spain |
43 |
23 |
540 |
|
|
|
0.01 |
0 |
Philippine |
20 |
9 |
473 |
|
|
|
0 |
0 |
Sri Lanka |
9 |
5 |
600 |
|
|
|
0 |
0 |
Turkey |
5 |
3 |
650 |
|
|
|
0 |
0 |
Nhập khẩu vải của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2017 ước đạt 4,436 triệu USD, tăng 6.8% so với cùng kỳ 2016. Tính riêng tháng 5/2017 nhập khẩu vải của Việt Nam ước đạt 1100 triệu USD, tăng 3.8% so với tháng trước và 3.7% so với cùng kỳ 2016.
Thị trường |
4T/ 2017 (USD) |
So 4T/16 (%) |
Cơ cấu (%) |
Tổng |
3,336,100,582 |
6.75 |
100 |
China |
1,736,229,929 |
7.48 |
52.04 |
Korea |
602,490,340 |
10.75 |
18.06 |
Taiwan |
501,008,277 |
2.23 |
15.02 |
Japan |
191,550,464 |
8.58 |
5.74 |
Hongkong |
76,359,588 |
13.55 |
2.29 |
Thailand |
69,149,683 |
18.06 |
2.07 |
Italia |
19,783,699 |
13.95 |
0.59 |
India |
18,882,751 |
-19.55 |
0.57 |
Indonesia |
18,080,834 |
4.9 |
0.54 |
Pakistan |
15,853,203 |
22.14 |
0.48 |
Malaysia |
14,789,322 |
-6.33 |
0.44 |
Germany |
13,175,725 |
3.31 |
0.39 |
USA |
10,638,858 |
6.86 |
0.32 |
Turkey |
7,484,170 |
-25.26 |
0.22 |
France |
2,653,281 |
15.73 |
0.08 |
England |
2,446,697 |
3.41 |
0.07 |
Singapore |
1,017,844 |
12.71 |
0.03 |
Belgium |
858,631 |
-13.23 |
0.03 |
Philippines |
370,503 |
67.59 |
0.01 |
Nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1,400 triệu USD, tăng 8.43% so với cùng kỳ 2016. Tính riêng tháng 5/2017 nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may của Việt Nam ước đạt 308 triệu USD, tăng 1.14% so với tháng trước và 5% so với cùng kỳ 2016.
Thị trường |
4T/2017 (USD) |
So 4T/16 (%) |
Cơ cấu (%) |
Total |
1,737,356,153 |
8.3 |
100 |
China |
675,101,798 |
15.12 |
38.86 |
Korea |
238,264,432 |
-1.7 |
13.71 |
Taiwan |
166,783,029 |
6.5 |
9.60 |
USA |
104,264,189 |
10.3 |
6.00 |
Thailand |
74,231,309 |
18.42 |
4.27 |
Hongkong |
73,566,179 |
3.95 |
4.23 |
Japan |
71,807,652 |
20.14 |
4.13 |
Italia |
68,599,834 |
2.4 |
3.95 |
Brazil |
47,496,563 |
-16.93 |
2.73 |
India |
32,304,574 |
3.09 |
1.86 |
Argentina |
15,692,680 |
53.28 |
0.90 |
Indonesia |
14,462,210 |
22 |
0.83 |
Germany |
12,306,239 |
27.14 |
0.71 |
Malaysia |
10,187,305 |
-0.39 |
0.59 |
New Zealand |
8,510,005 |
18.86 |
0.49 |
Australia |
8,286,768 |
-16.66 |
0.48 |
Pakistan |
6,619,150 |
-11.63 |
0.38 |
Canada |
4,217,748 |
-48.19 |
0.24 |
England |
3,941,853 |
-31.33 |
0.23 |
Spain |
3,223,898 |
-38.53 |
0.19 |
France |
2,221,383 |
23.39 |
0.13 |
Poland |
2,203,957 |
-24.01 |
0.13 |
Netherlands |
830,967 |
-13.69 |
0.05 |
Austria |
660,331 |
52.16 |
0.04 |
Singapore |
569,703 |
35.54 |
0.03 |
Xuất khẩu xơ, sợi dệt của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2017 ước đạt 507 ngàn tấn, trị giá 1,348 triệu USD, tăng 16.1% về lượng và 25.4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016. Tính riêng tháng 5/2017 xuất khẩu xơ, sợi dệt của Việt Nam ước đạt 105 ngàn tấn, trị giá 280 triệu USD, giảm 1.3% về lượng và 2.7% về trị giá so với tháng trước và tăng 6.1% về lượng và 18.3% về trị giá so với cùng kỳ 2016.
Thị trường |
4 tháng 2017 |
So sánh cùng kỳ 2016 (%) |
||
Lượng (Tấn) |
Trị giá (USD) |
Lượng |
Trị giá |
|
Total |
401,568 |
1,067,559,792 |
19.00 |
27.40 |
China |
218,941 |
592,742,279 |
22.31 |
30.83 |
Korea |
46,665 |
113,027,827 |
53.64 |
53.20 |
Turkey |
14,483 |
32,865,874 |
-51.24 |
-45.14 |
India |
9,867 |
37,229,160 |
30.05 |
35.24 |
Taiwan |
9,379 |
26,056,051 |
84.01 |
59.99 |
Bangladesh |
7,330 |
25,590,005 |
34.08 |
27.00 |
Egypt |
7,178 |
14,964,875 |
19.61 |
24.65 |
Malaysia |
6,316 |
16,288,978 |
-14.39 |
-6.21 |
Japan |
5,752 |
22,671,666 |
53.18 |
63.06 |
Pakistan |
5,199 |
11,211,749 |
81.34 |
17.83 |
Indonesia |
4,940 |
16,751,085 |
30.62 |
2.65 |
Philippine |
4,447 |
9,625,423 |
-7.51 |
-0.24 |
USA |
4,049 |
5,747,194 |
-43.44 |
-31.41 |
Cambodia |
2,944 |
7,329,213 |
27.94 |
38.54 |
Colombia |
2,652 |
6,613,072 |
27.26 |
41.18 |
Italia |
417 |
3,305,006 |
-14.20 |
2.51 |
Xuất khẩu vải của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2017 ước đạt 480 triệu USD, tăng 5.3% so với cùng kỳ 2016. Tính riêng tháng 5/2017 xuất khẩu vải của Việt Nam ước đạt 100 triệu USD, giảm 2.2% so với tháng trước và tăng 16.2% so với cùng kỳ 2016.
Thị trường |
Quý I/2017 (USD) |
So 2016 (%) |
% cơ cấu |
Thị trường |
Quý I/2017 (USD) |
So 2016 (%) |
% cơ cấu |
Tổng |
276,415,235 |
16.43 |
100 |
Spain |
284,369 |
12.25 |
0.1 |
Cambodia |
70,685,044 |
42.01 |
25.57 |
El Salvador |
201,191 |
-11.41 |
0.07 |
China |
43,025,098 |
68.9 |
15.57 |
United Kingdom |
187,460 |
-16.8 |
0.07 |
Indonesia |
23,272,651 |
4.66 |
8.42 |
Denmark |
185,328 |
96.93 |
0.07 |
Korea |
14,818,263 |
-15.34 |
5.36 |
Algeria |
183,813 |
139.98 |
0.07 |
Bangladesh |
13,306,602 |
20.43 |
4.81 |
Colombia |
177,703 |
49.14 |
0.06 |
Philippines |
9,933,467 |
21 |
3.59 |
Morocco |
147,900 |
|
0.05 |
HongKong |
8,789,693 |
1.15 |
3.18 |
Mauritania |
141,022 |
-86.2 |
0.05 |
Thailand |
7,287,189 |
-14.02 |
2.64 |
Senegal |
140,541 |
|
0.05 |
USA |
6,208,860 |
-3.75 |
2.25 |
Puerto Rico |
91,068 |
-4.71 |
0.03 |
Japan |
5,943,743 |
-9.96 |
2.15 |
Djibouti |
89,379 |
|
0.03 |
Malaysia |
5,616,187 |
24.76 |
2.03 |
Syrian Arab |
88,219 |
|
0.03 |
Saudi Arabia |
5,355,812 |
-0.94 |
1.94 |
Haiti |
78,504 |
|
0.03 |
Taiwan |
4,775,542 |
2.17 |
1.73 |
France |
75,925 |
-84.34 |
0.03 |
Sri Lanka |
4,433,075 |
-13.79 |
1.6 |
Slovakia |
73,538 |
20.19 |
0.03 |
UAE |
4,137,572 |
-5.76 |
1.5 |
Israel |
67,235 |
|
0.02 |
Australia |
2,673,906 |
37.28 |
0.97 |
Russian |
61,346 |
484.8 |
0.02 |
Myanmar |
2,491,978 |
45.76 |
0.9 |
Greece |
60,155 |
395.21 |
0.02 |
Turkey |
2,333,524 |
-28.47 |
0.84 |
Romania |
50,773 |
-55.02 |
0.02 |
India |
2,291,006 |
-27.55 |
0.83 |
Czech Rep |
50,510 |
193.61 |
0.02 |
Jordan |
1,810,593 |
2.88 |
0.66 |
Yemen |
44,244 |
|
0.02 |
Lesotho |
1,631,304 |
-5.57 |
0.59 |
Portugal |
41,504 |
1419.82 |
0.02 |
Italy |
1,501,771 |
15.86 |
0.54 |
Ecuador |
38,133 |
|
0.01 |
Canada |
1,338,283 |
-17.88 |
0.48 |
Bulgaria |
29,725 |
|
0.01 |
Belgium |
1,197,880 |
-19.17 |
0.43 |
Kyrgyzstan |
25,012 |
|
0.01 |
Singapore |
1,054,989 |
-28.04 |
0.38 |
Estonia |
23,634 |
|
0.01 |
Laos |
983,103 |
-26.05 |
0.36 |
Kuwait |
20,983 |
|
0.01 |
South Africa |
850,496 |
123.27 |
0.31 |
Ukraine |
19,923 |
|
0.01 |
Guatemala |
746,471 |
-44.19 |
0.27 |
Swaziland |
19,259 |
|
0.01 |
Ethiopia |
705,351 |
20754.8 |
0.26 |
Bahrain |
16,365 |
-79.23 |
0.01 |
Netherlands |
541,202 |
-55.1 |
0.2 |
Madagascar |
16,219 |
-87.58 |
0.01 |
New Zealand |
454,300 |
177.92 |
0.16 |
Poland |
12,532 |
31.44 |
0 |
Iraq |
444,361 |
|
0.16 |
Honduras |
11,095 |
-88.62 |
0 |
Kenya |
435,920 |
-34.41 |
0.16 |
Nigeria |
8,942 |
-83.18 |
0 |
Germany |
430,549 |
41.72 |
0.16 |
Austria |
6,727 |
-91.27 |
0 |
Egypt |
419,764 |
-65.88 |
0.15 |
Sierra Leone |
5,500 |
|
0 |
Mexico |
357,005 |
0.73 |
0.13 |
Norway |
4,715 |
|
0 |
Latvia |
348,948 |
113.77 |
0.13 |
Argentina |
2,820 |
-84.52 |
0 |
Sweden |
344,165 |
190.62 |
0.12 |
Suriname |
2,800 |
|
0 |
Nicaragua |
342,563 |
-68.08 |
0.12 |
Brazil |
1,333 |
|
0 |
Pakistan |
308,008 |
-19.04 |
0.11 |
|
Cat . |
ĐV |
Trị giá (USD) |
|
Số lượng |
|
Đơn giá |
|
|||
T4/17 |
4T/17 |
So 4T/16 (%) |
T4/17 |
4T/17 |
So 4T/16 (%) |
T4/17 |
4T/17 |
So 4T/16 (%) |
||
Tổng |
SME |
922,195,114 |
3,762,602,709 |
5.70 |
406,332,275 |
1,550,784,367 |
10.08 |
2.27 |
2.43 |
-3.97 |
May |
SME |
857,046,336 |
3,622,257,822 |
8.16 |
287,756,163 |
1,185,879,795 |
12.03 |
2.98 |
3.05 |
-3.45 |
Dệt |
SME |
65,148,778 |
140,344,887 |
-33.44 |
118,576,112 |
364,904,572 |
4.17 |
0.55 |
0.38 |
-36.10 |
12 |
SME |
19,586,693 |
59,133,427 |
-1.99 |
77,268,961 |
242,926,094 |
-2.38 |
0.25 |
0.24 |
0.40 |
14 |
SME |
43,947,293 |
77,283,375 |
-47.07 |
36,174,113 |
109,688,511 |
24.83 |
1.21 |
0.70 |
-57.60 |
30 |
SME |
377,953,767 |
1,580,226,193 |
4.89 |
128,451,053 |
523,258,648 |
7.06 |
2.94 |
3.02 |
-2.03 |
31 |
SME |
369,006,247 |
1,549,104,636 |
4.52 |
119,037,814 |
490,205,309 |
6.76 |
3.10 |
3.16 |
-2.11 |
32 |
SME |
8,947,520 |
31,121,557 |
27.41 |
9,413,239 |
33,053,340 |
11.62 |
0.95 |
0.94 |
14.14 |
40 |
SME |
6,319,044 |
31,666,481 |
-19.63 |
564,974 |
2,846,956 |
-18.84 |
11.18 |
11.12 |
-0.97 |
41 |
SME |
6,313,373 |
31,634,850 |
-19.52 |
564,582 |
2,844,943 |
-18.68 |
11.18 |
11.12 |
-1.03 |
60 |
SME |
514,684,880 |
2,068,974,443 |
7.77 |
271,408,228 |
1,006,046,663 |
12.57 |
1.90 |
2.06 |
-4.26 |
61 |
SME |
458,744,246 |
1,960,291,403 |
13.01 |
162,904,703 |
675,231,888 |
17.64 |
2.82 |
2.90 |
-3.93 |
62 |
SME |
55,940,634 |
108,683,040 |
-41.32 |
108,503,525 |
330,814,775 |
3.46 |
0.52 |
0.33 |
-43.28 |
80 |
SME |
23,237,423 |
81,735,592 |
-12.97 |
5,908,020 |
18,632,099 |
-18.41 |
3.93 |
4.39 |
6.66 |
81 |
SME |
22,982,470 |
81,226,933 |
-12.49 |
5,249,065 |
17,597,655 |
-19.69 |
4.38 |
4.62 |
8.96 |
229 |
Kg. |
17,439,806 |
51,313,133 |
-5.30 |
5,213,032 |
15,752,296 |
-6.45 |
3.35 |
3.26 |
1.23 |
239 |
Kg. |
14,146,432 |
72,556,514 |
21.28 |
532,785 |
2,920,812 |
23.80 |
26.55 |
24.84 |
-2.03 |
334 |
Doz |
2,510,083 |
9,220,054 |
-3.97 |
16,457 |
63,144 |
-5.90 |
152.52 |
146.02 |
2.05 |
335 |
Doz |
4,570,157 |
34,734,372 |
-13.53 |
39,180 |
264,081 |
-7.21 |
116.65 |
131.53 |
-6.81 |
336 |
Doz |
17,477,483 |
64,033,611 |
-5.95 |
267,782 |
1,083,917 |
-1.34 |
65.27 |
59.08 |
-4.68 |
338 |
Doz |
56,785,348 |
212,105,341 |
10.05 |
1,514,547 |
5,406,691 |
7.09 |
37.49 |
39.23 |
2.76 |
339 |
Doz |
77,411,688 |
327,360,962 |
-1.97 |
2,526,871 |
9,948,135 |
-9.51 |
30.64 |
32.91 |
8.34 |
340 |
Doz |
22,085,777 |
95,875,364 |
-5.60 |
276,928 |
1,259,163 |
-0.49 |
79.75 |
76.14 |
-5.13 |
341 |
Doz |
7,998,782 |
31,293,040 |
-3.73 |
138,902 |
573,768 |
1.27 |
57.59 |
54.54 |
-4.94 |
342 |
Doz |
3,425,869 |
15,721,834 |
-22.63 |
74,619 |
326,201 |
-19.61 |
45.91 |
48.20 |
-3.75 |
347 |
Doz |
41,122,836 |
160,970,555 |
15.30 |
645,430 |
2,440,129 |
12.76 |
63.71 |
65.97 |
2.25 |
348 |
Doz |
71,356,286 |
341,254,913 |
8.81 |
1,475,101 |
6,926,803 |
17.59 |
48.37 |
49.27 |
-7.47 |
350 |
Doz |
2,336,807 |
8,854,233 |
-14.76 |
57,887 |
212,114 |
-3.04 |
40.37 |
41.74 |
-12.09 |
351 |
Doz |
3,283,423 |
21,714,278 |
-5.57 |
76,044 |
597,439 |
9.18 |
43.18 |
36.35 |
-13.51 |
352 |
Doz |
35,379,513 |
119,633,416 |
4.90 |
3,238,253 |
11,031,823 |
9.69 |
10.93 |
10.84 |
-4.36 |
359 |
Kg. |
7,027,294 |
28,659,519 |
62.73 |
298,728 |
1,251,487 |
49.85 |
23.52 |
22.90 |
8.60 |
369 |
Kg. |
7,170,873 |
24,447,256 |
35.69 |
290,279 |
1,020,446 |
69.81 |
24.70 |
23.96 |
-20.09 |
433 |
Doz |
1,920,930 |
8,962,781 |
-27.62 |
5,640 |
26,710 |
-26.60 |
340.59 |
335.56 |
-1.38 |
447 |
Doz |
1,908,143 |
7,571,610 |
-18.31 |
9,470 |
37,455 |
-20.63 |
201.49 |
202.15 |
2.93 |
631 |
Dpr |
3,252,417 |
12,398,352 |
7.07 |
127,778 |
405,118 |
36.73 |
25.45 |
30.60 |
-21.69 |
633 |
Doz |
3,713,180 |
19,465,828 |
-17.89 |
39,369 |
187,056 |
39.24 |
94.32 |
104.06 |
-41.03 |
634 |
Doz |
19,720,857 |
85,626,676 |
17.81 |
103,285 |
426,423 |
27.93 |
190.94 |
200.80 |
-7.91 |
635 |
Doz |
16,097,146 |
91,304,450 |
-4.84 |
102,263 |
632,841 |
6.94 |
157.41 |
144.28 |
-11.01 |
636 |
Doz |
60,022,199 |
236,064,644 |
5.38 |
914,582 |
3,502,194 |
15.80 |
65.63 |
67.40 |
-9.00 |
638 |
Doz |
35,879,310 |
154,525,341 |
4.61 |
606,513 |
2,638,753 |
11.84 |
59.16 |
58.56 |
-6.47 |
639 |
Doz |
75,652,042 |
313,806,571 |
9.81 |
2,006,446 |
8,190,827 |
13.85 |
37.70 |
38.31 |
-3.55 |
640 |
Doz |
6,168,915 |
33,052,456 |
18.18 |
78,817 |
365,234 |
7.89 |
78.27 |
90.50 |
9.54 |
641 |
Doz |
30,004,107 |
125,142,947 |
16.35 |
621,606 |
2,435,268 |
15.54 |
48.27 |
51.39 |
0.70 |
642 |
Doz |
12,764,276 |
43,266,705 |
-17.41 |
243,318 |
779,369 |
-3.87 |
52.46 |
55.52 |
-14.08 |
647 |
Doz |
36,945,382 |
185,027,664 |
1.42 |
570,996 |
2,959,157 |
2.16 |
64.70 |
62.53 |
-0.72 |
648 |
Doz |
59,781,985 |
275,341,765 |
20.81 |
1,134,020 |
5,682,834 |
46.59 |
52.72 |
48.45 |
-17.59 |
649 |
Doz |
25,094,487 |
98,654,240 |
218.94 |
403,904 |
1,508,421 |
138.48 |
62.13 |
65.40 |
33.74 |
650 |
Doz |
2,372,585 |
10,924,248 |
0.94 |
53,532 |
246,994 |
0.71 |
44.32 |
44.23 |
0.23 |
651 |
Doz |
2,855,354 |
11,545,737 |
-15.02 |
60,809 |
233,947 |
-7.50 |
46.96 |
49.35 |
-8.13 |
652 |
Doz |
13,254,567 |
46,649,001 |
5.17 |
822,508 |
3,030,726 |
23.50 |
16.11 |
15.39 |
-14.84 |
659 |
Kg. |
46,227,401 |
180,818,676 |
22.60 |
1,913,706 |
7,211,991 |
19.30 |
24.16 |
25.07 |
2.76 |
669 |
Kg. |
5,221,323 |
17,350,145 |
50.30 |
1,768,802 |
6,206,935 |
58.10 |
2.95 |
2.80 |
-4.93 |
670 |
Kg. |
30,465,070 |
32,633,474 |
-71.25 |
1,846,972 |
2,066,453 |
-66.37 |
16.49 |
15.79 |
-14.52 |
838 |
Doz |
7,118,553 |
19,020,657 |
-24.80 |
117,669 |
283,749 |
-41.80 |
60.50 |
67.03 |
29.22 |
840 |
Doz |
3,001,590 |
13,590,112 |
-4.45 |
30,365 |
144,892 |
16.74 |
98.85 |
93.79 |
-18.16 |
847 |
Doz |
8,076,601 |
27,896,810 |
7.12 |
109,396 |
364,058 |
-2.87 |
73.83 |
76.63 |
10.28 |
Một số doanh nghiệp xuất khẩu nhiều sang Mỹ 3 tháng 2017 (1000 USD)
Doanh nghiệp |
Kim ngạch |
Doanh nghiệp |
Kim ngạch |
Cty TNHH Hanesbrands VN Huế |
56,729 |
Cty TNHH Unisoll Vina |
17,385 |
Cty CP May Sông Hồng |
52,124 |
Cty TNHH Dệt may Hoa Sen |
16,998 |
Cty TNHH may Tinh Lợi |
46,789 |
Cty TNHH May Mặc Triple (Việt Nam) |
16,634 |
Cty TNHH REGINA MIRACLE INTERNATIONAL Việt Nam |
36,748 |
Cty TNHH RICHWAY |
16,474 |
Cty TNHH HANSAE VIệT NAM |
35,569 |
Cty TNHH SHINWON EBENEZER HN |
16,323 |
Cty TNHH NOBLAND VIệT NAM |
35,399 |
Cty CP May Tiền Tiến |
16,267 |
Cty CP Quốc Tế Phong Phú |
32,935 |
Cty TNHH SX TM Taad Việt Nam |
15,570 |
Cty TNHH FASHION GARMENTS 2 |
31,823 |
Cty TNHH Namyang Sông Mây |
15,554 |
Cty TNHH MAY MINH ANH |
31,118 |
Cty TNHH FTN Việt Nam |
15,520 |
Tổng Cty CP May Việt Tiến |
29,052 |
Cty TNHH ESQUEL GARMENT MANUFACTURING (Việt Nam) |
14,703 |
Cty TNHH Dệt May Eclat Việt Nam |
28,500 |
Cty TNHH Apparel Far Eastern |
14,434 |
Cty CP May Xuất Khẩu Hà Phong |
28,243 |
Cty TNHH Crystal Martin ( Việt Nam) |
13,999 |
Cty TNHH EINS VINA |
28,023 |
Cty TNHH NAM YANG DELTA |
13,874 |
Cty TNHH Quốc tế Chutex |
26,288 |
Cty TNHH WINNERS VINA |
13,622 |
Cty TNHH HANSAE T N |
24,145 |
Cty TNHH YOUNGONE Nam Định |
13,620 |
Cty TNHH VINA KOREA |
22,607 |
Cty TNHH VIET PACIFIC CLOTHING |
13,610 |
Cty TNHH HANESBRANDS VN |
22,191 |
Cty TNHH KISOO VINA |
13,334 |
Cty TNHH may mặc MAKALOT VN |
21,556 |
Tổng Cty Đức Giang - Cty CP |
13,066 |
Cty TNHH Hansae TG |
21,529 |
Cty TNHH ESPRINTA (Việt Nam) |
12,964 |
Cty TNHH Hansoll Vina (Hsv,) |
21,383 |
Cty TNHH THờI TRANG STAR |
12,750 |
Doanh nghiệp |
Kim ngạch |
Doanh nghiệp |
Kim ngạch |
Cty TNHH May Trịnh Vương |
21,374 |
Cty CP may xuất khẩu Hà Bắc |
12,626 |
Cty CP - TCty May Bắc Giang |
20,184 |
Cty TNHH GREAT GLOBAL INTERNATIONAL |
12,351 |
Cty TNHH TAV |
20,142 |
Cty TNHH SHINSUNG Việt Nam |
12,263 |
Tổng Cty CP Dệt May Hòa Thọ |
20,058 |
Cty TNHH MS VINA |
12,097 |
Cty Thương mại VINA KYUNGSEUNG |
19,046 |
Cty TNHH, LD Vĩnh Hưng |
11,860 |
Cty TNHH POONG IN VINA |
18,478 |
Cty may xuất khẩu SSV |
11,801 |
Tổng Cty May 10 - Cty CP |
18,126 |
Cty TNHH May Thêu Thuận Phương |
11,627 |
Cty TNHH SHINWON EBENEZER VN |
17,973 |
Cty TNHH SESHIN Việt Nam |
11,528 |
Cty TNHH COLLTEX (VN) |
17,650 |
Cty CP Dệt May Huế |
11,452 |
Cty TNHH YAKJIN Việt Nam |
17,442 |
Cty CP SX hàng thể thảo - CN Thái Bình |
11,196 |
(Nguồn: Trung tâm TTTM, Bộ Công Thương, số liệu sơ bộ mang tính tham khảo) |
Nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ từ một số nước chính 4 tháng 2017
Nước XK |
4T/2017 |
So 4T/2016 (%) |
Thị phần (%) |
|
||||
Giá trị (USD) |
Số lượng (M2) |
Đơn giá (USD/M2) |
TĐ GT |
TĐ SL |
TĐ ĐG |
|||
World |
32,015,358,889 |
19,622,046,712 |
1.63 |
-2.84 |
2.31 |
-5.04 |
100.00 |
|
China |
10,471,746,508 |
8,648,166,451 |
1.21 |
-5.94 |
4.57 |
-10.05 |
32.71 |
|
_ASEAN |
6,885,002,359 |
2,790,190,877 |
2.47 |
-0.17 |
2.97 |
-3.05 |
21.51 |
|
_W HEMI |
4,935,803,698 |
2,316,870,331 |
2.13 |
-0.37 |
-0.04 |
-0.33 |
15.42 |
|
Vietnam |
3,762,602,709 |
1,550,784,367 |
2.43 |
5.70 |
10.08 |
-3.97 |
11.75 |
|
_CAFTA-DR |
2,479,426,582 |
988,495,535 |
2.51 |
-1.22 |
0.74 |
-1.94 |
7.74 |
|
_OECD |
2,293,697,232 |
1,766,009,277 |
1.30 |
-3.16 |
-1.37 |
-1.82 |
7.16 |
|
India |
2,622,824,361 |
1,697,758,472 |
1.54 |
0.79 |
5.95 |
-4.87 |
8.19 |
|
_NAFTA |
1,854,064,371 |
1,143,852,116 |
1.62 |
-0.08 |
-0.65 |
0.58 |
5.79 |
|
Bangladesh |
1,825,428,280 |
820,341,813 |
2.23 |
-5.65 |
1.44 |
-6.99 |
5.70 |
|
Indonesia |
1,644,898,066 |
594,677,750 |
2.77 |
-3.77 |
-4.30 |
0.55 |
5.14 |
|
Mexico |
1,457,830,858 |
803,872,231 |
1.81 |
2.40 |
1.79 |
0.60 |
4.55 |
|
_EU28 |
1,225,076,563 |
667,438,714 |
1.84 |
-4.19 |
1.08 |
-5.21 |
3.83 |
|
_EU27 |
1,220,104,768 |
667,209,855 |
1.83 |
-4.18 |
1.09 |
-5.21 |
3.81 |
|
Pakistan |
879,426,157 |
813,845,442 |
1.08 |
0.49 |
-0.43 |
0.92 |
2.75 |
|
Honduras |
744,962,268 |
337,046,066 |
2.21 |
0.45 |
4.15 |
-3.55 |
2.33 |
|
Cambodia |
700,825,016 |
326,719,834 |
2.15 |
-4.82 |
-1.06 |
-3.80 |
2.19 |
|
Sri Lanka |
676,927,139 |
164,955,629 |
4.10 |
-3.84 |
-3.77 |
-0.07 |
2.11 |
|
El Salvador |
586,919,850 |
249,476,021 |
2.35 |
-5.08 |
-5.69 |
0.64 |
1.83 |
|
Italy |
485,633,633 |
120,004,890 |
4.05 |
-5.72 |
-7.48 |
1.90 |
1.52 |
|
Nicaragua |
471,359,486 |
178,666,965 |
2.64 |
3.64 |
9.84 |
-5.64 |
1.47 |
|
Guatemala |
452,504,995 |
130,201,952 |
3.48 |
-0.40 |
-0.47 |
0.07 |
1.41 |
|
Canada |
396,233,513 |
339,979,885 |
1.17 |
-8.24 |
-5.99 |
-2.40 |
1.24 |
|
Turkey |
457,583,584 |
244,362,730 |
1.87 |
6.12 |
-12.21 |
20.88 |
1.43 |
|
Jordan |
403,005,013 |
79,239,634 |
5.09 |
11.41 |
13.69 |
-2.01 |
1.26 |
|
Thailand |
312,021,336 |
159,995,166 |
1.95 |
-14.32 |
-8.41 |
-6.46 |
0.97 |
|
Philippines |
294,532,075 |
100,082,667 |
2.94 |
-17.99 |
-14.98 |
-3.53 |
0.92 |
|
_SUB-SAHARA |
313,201,051 |
85,764,677 |
3.65 |
-4.69 |
-5.55 |
0.91 |
0.98 |
|
Egypt |
282,850,640 |
87,342,146 |
3.24 |
-9.95 |
-11.91 |
2.22 |
0.88 |
|
Korea, South |
271,885,653 |
519,859,066 |
0.52 |
-6.76 |
3.41 |
-9.83 |
0.85 |
_CBI |
281,142,506 |
109,484,157 |
2.57 |
5.41 |
1.77 |
3.57 |
0.88 |
Haiti |
280,734,806 |
109,278,548 |
2.57 |
5.65 |
2.56 |
3.01 |
0.88 |
Taiwan |
204,663,828 |
282,020,043 |
0.73 |
-8.15 |
9.40 |
-16.04 |
0.64 |
Dominican Rep |
215,986,024 |
87,399,452 |
2.47 |
-5.85 |
-5.53 |
-0.33 |
0.67 |
Peru |
211,236,855 |
25,890,731 |
8.16 |
-0.81 |
5.67 |
-6.14 |
0.66 |
Malaysia |
128,846,501 |
45,219,876 |
2.85 |
-8.10 |
-9.05 |
1.04 |
0.40 |
Japan |
149,026,177 |
99,516,218 |
1.50 |
-4.51 |
-2.71 |
-1.85 |
0.47 |
Kenya |
102,814,322 |
29,702,926 |
3.46 |
-15.95 |
-17.11 |
1.41 |
0.32 |
Portugal |
128,901,454 |
72,712,841 |
1.77 |
10.55 |
2.96 |
7.37 |
0.40 |
Germany |
123,238,820 |
182,801,876 |
0.67 |
7.08 |
9.74 |
-2.42 |
0.38 |
France |
86,937,193 |
36,795,112 |
2.36 |
-9.04 |
-17.03 |
9.63 |
0.27 |
United Kingdom |
72,742,973 |
23,579,321 |
3.09 |
-18.42 |
7.96 |
-24.44 |
0.23 |
Lesotho |
82,323,882 |
20,655,285 |
3.99 |
-4.31 |
-0.91 |
-3.43 |
0.26 |
Colombia |
81,062,665 |
21,352,662 |
3.80 |
-2.81 |
-28.61 |
36.13 |
0.25 |
Israel |
89,674,000 |
143,856,691 |
0.62 |
-9.30 |
-15.72 |
7.62 |
0.28 |
Hong Kong |
60,061,549 |
28,970,421 |
2.07 |
-22.23 |
-32.99 |
16.05 |
0.19 |
Mauritius |
43,674,266 |
6,469,167 |
6.75 |
-29.72 |
-28.91 |
-1.14 |
0.14 |
Bahrain |
28,332,149 |
19,378,122 |
1.46 |
-64.92 |
-31.22 |
-49.00 |
0.09 |
Romania |
46,736,807 |
6,233,530 |
7.50 |
-5.00 |
1.15 |
-6.08 |
0.15 |
Belgium |
52,506,229 |
16,517,987 |
3.18 |
-8.72 |
5.53 |
-13.50 |
0.16 |
Morocco |
43,838,911 |
6,305,965 |
6.95 |
-1.15 |
-2.54 |
1.42 |
0.14 |
Spain |
38,788,330 |
39,977,511 |
0.97 |
8.76 |
29.86 |
-16.25 |
0.12 |
(Vitas tổng hợp từ Otexa)
Thị trường |
Quý I/2017 |
So Quý I/2016 (%) |
Thị phần (%) |
||||
Giá trị (USD) |
Số lượng (100Kg) |
Đơn giá (USD/Kg) |
TĐ GT |
TĐ SL |
TĐ ĐG |
||
Tổng (EU28) |
22,419,470,548 |
11,408,267 |
20.00 |
-3.14 |
-1.76 |
-1.40 |
100 |
Germany |
4,862,074,968 |
2,094,395 |
22.72 |
-2.78 |
2.20 |
-4.87 |
21.69 |
U.K. |
3,478,994,511 |
2,482,835 |
15.53 |
-8.40 |
-9.79 |
1.54 |
15.52 |
Spain |
2,988,102,491 |
1,438,995 |
20.38 |
0.86 |
1.91 |
-1.03 |
13.33 |
France |
2,680,128,999 |
1,034,467 |
25.09 |
1.08 |
3.26 |
-2.11 |
11.95 |
Netherlands |
2,533,100,909 |
1,281,235 |
18.92 |
2.22 |
4.52 |
-2.20 |
11.30 |
Italy |
2,105,406,592 |
856,207 |
23.79 |
-0.49 |
3.36 |
-3.72 |
9.39 |
Belgium |
829,351,319 |
775,532 |
18.76 |
-34.73 |
-43.01 |
14.53 |
3.70 |
Denmark |
699,078,324 |
284,087 |
22.65 |
0.39 |
8.63 |
-7.59 |
3.12 |
Sweden |
565,379,076 |
236,382 |
25.22 |
-6.17 |
-5.14 |
-1.08 |
2.52 |
Poland |
435,201,480 |
250,474 |
15.38 |
9.25 |
12.96 |
-3.28 |
1.94 |
Austria |
271,949,214 |
101,747 |
21.16 |
12.98 |
26.33 |
-10.57 |
1.21 |
Czech Rep |
185,791,198 |
84,406 |
18.79 |
15.26 |
17.16 |
-1.63 |
0.83 |
Ireland |
145,751,053 |
87,202 |
18.92 |
-9.52 |
-11.67 |
2.43 |
0.65 |
Greece |
106,027,063 |
102,880 |
9.24 |
2.84 |
11.55 |
-7.81 |
0.47 |
Finland |
87,342,225 |
36,535 |
22.50 |
-4.88 |
6.25 |
-10.47 |
0.39 |
Slovakia |
77,304,933 |
55,950 |
15.26 |
-11.88 |
-9.47 |
-2.66 |
0.34 |
Hungary |
71,030,773 |
15,709 |
6.48 |
196.26 |
597.52 |
-57.53 |
0.32 |
Romania |
69,648,395 |
40,426 |
16.50 |
10.78 |
4.43 |
6.08 |
0.31 |
Portugal |
62,032,290 |
35,890 |
18.11 |
-0.59 |
-4.59 |
4.19 |
0.28 |
Croatia |
57,598,700 |
21,244 |
25.09 |
9.29 |
8.05 |
1.15 |
0.26 |
Slovenia |
33,121,841 |
21,844 |
16.40 |
2.17 |
-7.56 |
10.53 |
0.15 |
Bulgaria |
31,119,822 |
30,925 |
6.48 |
-1.87 |
55.41 |
-36.86 |
0.14 |
Lithuania |
17,284,970 |
10,882 |
19.71 |
-14.81 |
-19.41 |
5.70 |
0.08 |
Latvia |
10,488,878 |
6,030 |
15.49 |
4.33 |
12.31 |
-7.10 |
0.05 |
Estonia |
7,057,757 |
3,554 |
21.52 |
-1.40 |
-7.74 |
6.87 |
0.03 |
Luxembourg |
3,542,057 |
15,303 |
13.26 |
-77.96 |
-82.54 |
26.25 |
0.02 |
Cyprus |
3,088,010 |
1,955 |
14.25 |
3.97 |
10.84 |
-6.20 |
0.01 |
Malta |
2,472,702 |
1,176 |
17.44 |
-4.94 |
20.58 |
-21.16 |
0.01 |
Nhập khẩu hàng may mặc của EU theo nước XK 3 tháng 2017
Nước XK |
Quý I/2017 |
So Quý I/2016 (%) |
Thị phần (%) |
||||
Giá trị (USD) |
Số lượng (100Kg) |
Đơn giá (USD/Kg) |
TĐ GT |
TĐ SL |
TĐ ĐG |
||
Tổng (EU28) |
22,419,470,548 |
11,207,750 |
20.00 |
-3.14 |
-1.76 |
-1.40 |
100.00 |
China |
7,075,364,676 |
3,806,469 |
18.59 |
-7.28 |
-4.96 |
-2.44 |
31.56 |
Bangladesh |
4,433,497,607 |
2,841,520 |
15.60 |
1.63 |
1.04 |
0.58 |
19.78 |
Turkey |
2,617,542,225 |
1,020,076 |
25.66 |
-6.81 |
-3.19 |
-3.75 |
11.68 |
India |
1,613,619,613 |
732,023 |
22.04 |
-4.64 |
1.51 |
-6.06 |
7.20 |
Cambodia |
909,816,666 |
455,961 |
19.95 |
1.14 |
2.75 |
-1.56 |
4.06 |
Vietnam |
834,622,483 |
326,369 |
25.57 |
1.10 |
0.64 |
0.45 |
3.72 |
Pakistan |
766,042,027 |
538,840 |
14.22 |
7.82 |
6.60 |
1.15 |
3.42 |
Morocco |
730,725,416 |
282,436 |
25.87 |
-0.46 |
4.82 |
-5.04 |
3.26 |
Tunisia |
572,240,366 |
187,863 |
30.46 |
-4.51 |
-0.97 |
-3.57 |
2.55 |
Sri Lanka |
415,212,075 |
168,007 |
24.71 |
-4.93 |
-28.93 |
33.78 |
1.85 |
Indonesia |
348,712,168 |
140,930 |
24.74 |
-6.96 |
-9.30 |
2.58 |
1.56 |
Myanmar |
236,928,095 |
114,005 |
20.78 |
55.33 |
61.54 |
-3.84 |
1.06 |
Switzrlnd |
176,196,246 |
7,820 |
225.31 |
1.24 |
-9.61 |
12.00 |
0.79 |
Hong Kong |
166,790,629 |
50,265 |
33.18 |
-11.36 |
-17.55 |
7.51 |
0.74 |
United States |
148,023,468 |
24,443 |
60.56 |
-9.82 |
-13.83 |
4.66 |
0.66 |
Macedonia |
127,866,182 |
43,644 |
29.30 |
-3.66 |
-1.23 |
-2.46 |
0.57 |
Thailand |
116,929,557 |
36,941 |
31.65 |
-15.34 |
-16.20 |
1.02 |
0.52 |
Egypt |
108,860,949 |
53,153 |
20.48 |
-3.64 |
5.11 |
-8.33 |
0.49 |
Serbia |
102,245,116 |
38,581 |
26.50 |
3.97 |
9.61 |
-5.15 |
0.46 |
Albania |
95,523,542 |
57,131 |
16.72 |
11.98 |
6.27 |
5.37 |
0.43 |
Ukraine |
89,263,515 |
32,565 |
27.41 |
1.89 |
8.43 |
-6.03 |
0.40 |
Madagascar |
65,071,810 |
17,230 |
37.77 |
-2.34 |
-12.23 |
11.26 |
0.29 |
Mauritius |
59,511,794 |
20,110 |
29.59 |
-3.52 |
-9.52 |
6.63 |
0.27 |
Philippines |
58,139,488 |
20,076 |
28.96 |
16.81 |
6.88 |
9.29 |
0.26 |
Bosnia |
56,004,415 |
19,416 |
28.84 |
13.60 |
6.18 |
6.99 |
0.25 |
Moldova |
51,692,055 |
18,458 |
28.01 |
21.64 |
14.50 |
6.23 |
0.23 |
Slovenia |
45,447,202 |
12,269 |
37.04 |
-32.94 |
-44.86 |
21.61 |
0.20 |
Laos |
42,621,548 |
19,783 |
21.54 |
-5.83 |
-10.82 |
5.59 |
0.19 |
Malaysia |
42,192,762 |
20,316 |
20.77 |
-1.93 |
6.38 |
-7.82 |
0.19 |
Latvia |
35,832,236 |
7,912 |
45.29 |
-14.35 |
-31.82 |
25.61 |
0.16 |
Canada |
28,043,463 |
2,874 |
97.58 |
9.49 |
2.97 |
6.33 |
0.13 |
Japan |
27,023,184 |
2,088 |
129.42 |
6.72 |
17.57 |
-9.23 |
0.12 |
S. Korea |
25,840,850 |
7,234 |
35.72 |
-12.08 |
-35.91 |
37.18 |
0.12 |
Peru |
25,745,001 |
4,538 |
56.73 |
12.26 |
16.75 |
-3.84 |
0.11 |
Mexico |
20,047,900 |
6,109 |
32.82 |
-21.32 |
-27.26 |
8.17 |
0.09 |
U.A.E. |
19,347,870 |
7,612 |
25.42 |
-26.81 |
-30.06 |
4.65 |
0.09 |
Honduras |
16,218,684 |
18,688 |
8.68 |
10.35 |
18.02 |
-6.50 |
0.07 |
Nhập khẩu hàng may mặc của EU theo mặt hàng 3 tháng 2017
HS |
Chủng loại |
Quý I/2017 |
So Quý I/2016 (%) |
||||
Giá trị (USD) |
Số lượng (100kg) |
Đơn giá (USD/Kg) |
TĐ GT |
TĐ SL |
TĐ ĐG |
||
61+62 |
Total |
22,419,470,548 |
11,207,750 |
20.00 |
-3.14 |
-1.76 |
-1.40 |
61 |
Knit Clothing |
10,704,196,465 |
6,130,787 |
17.46 |
-1.61 |
-0.83 |
-0.78 |
6101 |
M/B Overcoats |
96,328,037 |
54,101 |
17.81 |
-2.76 |
0.45 |
-3.19 |
6102 |
W/G Overcoats |
173,391,253 |
93,250 |
18.59 |
15.02 |
19.75 |
-3.95 |
6103 |
M/B Suits/Trousers |
333,632,436 |
257,413 |
12.96 |
-1.97 |
0.35 |
-2.31 |
6104 |
W/G Suits/Trousers |
1,467,091,616 |
865,454 |
16.95 |
-4.16 |
0.50 |
-4.64 |
6105 |
M/B Shirts |
555,624,235 |
303,716 |
18.29 |
-4.07 |
-0.76 |
-3.33 |
6106 |
W/G Blouses |
282,628,828 |
139,305 |
20.29 |
-4.20 |
0.27 |
-4.46 |
6107 |
M/B Underpants |
325,554,267 |
224,429 |
14.51 |
-4.08 |
-4.81 |
0.77 |
6108 |
W/G Slips, Pajamas |
559,565,184 |
295,156 |
18.96 |
-4.13 |
-7.79 |
3.97 |
6109 |
T-Shirts |
2,768,604,613 |
1,650,297 |
16.78 |
-3.18 |
-0.78 |
-2.42 |
6110 |
Pullovers |
2,142,047,242 |
1,046,155 |
20.48 |
1.22 |
5.80 |
-4.33 |
6111 |
Babies Garments |
525,221,578 |
240,328 |
21.85 |
4.82 |
0.08 |
4.74 |
|
|||||||
62 |
Woven Clothing |
11,715,274,084 |
5,076,963 |
23.08 |
-4.50 |
-2.85 |
-1.69 |
6201 |
M/B Overcoats |
610,478,667 |
245,841 |
24.83 |
3.08 |
6.82 |
-3.50 |
6202 |
W/G Overcoats |
875,948,128 |
367,331 |
23.85 |
5.86 |
11.47 |
-5.03 |
6203 |
M/B Suits/Trousers |
2,755,059,943 |
1,390,548 |
19.81 |
-8.38 |
-5.23 |
-3.32 |
6204 |
W/G Suits/Trousers |
3,380,374,149 |
1,427,916 |
23.67 |
-4.87 |
-4.45 |
-0.44 |
6205 |
M/B Shirts |
844,979,658 |
320,339 |
26.38 |
-7.47 |
-6.29 |
-1.26 |
6206 |
W/G Blouses |
1,026,838,744 |
319,905 |
32.10 |
-4.16 |
-1.75 |
-2.45 |
6207 |
M/B Underwear |
47,364,859 |
45,079 |
10.51 |
-8.43 |
-3.17 |
-5.43 |
6208 |
W/G Underwear |
86,473,284 |
61,589 |
14.04 |
3.08 |
1.08 |
1.98 |
6209 |
Babies Garments |
185,821,487 |
63,004 |
29.49 |
-2.05 |
-3.03 |
1.02 |
6212 |
Brassieres |
585,176,808 |
145,921 |
40.10 |
-1.27 |
-4.61 |
3.50 |
(Vitas tổng hợp từ Eurostat)
Nhà cung cấp |
Quý I năm 2017 |
So với quý I năm 2016 (%) |
Thị phần theo Trị giá (%) |
||||
Lượng (kg) |
Trị giá (nghìn Yên) |
Đơn giá (Nghìn Yên/kg) |
Về lượng |
Về trị giá |
Về đơn giá |
||
Tổng |
627,075,330 |
972,292,030 |
1.55 |
0.66 |
-2.32 |
-2.96 |
100 |
China |
339,769,167 |
585,021,552 |
1.72 |
1.4 |
-4.05 |
-5.37 |
60.17 |
Viet Nam |
55,439,560 |
104,887,111 |
1.89 |
12.29 |
8.02 |
-3.8 |
10.79 |
Indonesia |
44,502,044 |
42,467,293 |
0.95 |
0.59 |
-2.34 |
-2.91 |
4.37 |
Bangladesh |
17,592,518 |
29,913,002 |
1.7 |
4.93 |
-3.95 |
-8.46 |
3.08 |
Cambodia |
9,513,020 |
26,396,980 |
2.77 |
4.71 |
0.23 |
-4.28 |
2.71 |
Thailand |
27,627,537 |
25,787,659 |
0.93 |
3.5 |
-2.52 |
-5.81 |
2.65 |
Italia |
1,661,484 |
25,493,289 |
15.34 |
-2.89 |
-2.07 |
0.85 |
2.62 |
Myanmar |
7,306,335 |
21,436,856 |
2.93 |
7.69 |
9.09 |
1.3 |
2.20 |
India |
10,939,379 |
14,602,727 |
1.33 |
-8.91 |
-8.02 |
0.98 |
1.50 |
Korea |
28,039,524 |
12,895,218 |
0.46 |
2.09 |
-6.5 |
-8.41 |
1.33 |
USA |
12,273,669 |
11,830,911 |
0.96 |
-10.33 |
-8.17 |
2.4 |
1.22 |
Taiwan |
24,439,671 |
10,746,830 |
0.44 |
0.68 |
2.82 |
2.12 |
1.11 |
Malaysia |
11,366,181 |
7,411,964 |
0.65 |
-10.51 |
4.85 |
17.16 |
0.76 |
Philippines |
4,050,454 |
5,293,549 |
1.31 |
12.97 |
7.8 |
-4.57 |
0.54 |
Turkey |
1,609,479 |
4,498,572 |
2.8 |
21.55 |
-0.18 |
-17.88 |
0.46 |
France |
683,348 |
4,488,622 |
6.57 |
-2.96 |
-3.57 |
-0.62 |
0.46 |
Romania |
127,116 |
3,322,784 |
26.14 |
-1.63 |
1.23 |
2.91 |
0.34 |
Pakistan |
5,637,106 |
3,312,489 |
0.59 |
-19.35 |
-12.62 |
8.34 |
0.34 |
Germany |
2,011,596 |
2,661,227 |
1.32 |
30.38 |
11.49 |
-14.49 |
0.27 |
United Kingdom |
827,597 |
2,639,970 |
3.19 |
8.25 |
-12.04 |
-18.75 |
0.27 |
Portugal |
422,779 |
2,283,119 |
5.4 |
38.7 |
6.85 |
-22.96 |
0.23 |
Sri Lanka |
1,150,097 |
2,131,272 |
1.85 |
10.6 |
7.76 |
-2.57 |
0.22 |
Morocco |
394,693 |
1,671,620 |
4.24 |
20.62 |
13.55 |
-5.86 |
0.17 |
Mexico |
894,622 |
1,347,669 |
1.51 |
-20.68 |
12.78 |
42.18 |
0.14 |
Australia |
4,176,496 |
1,302,147 |
0.31 |
36.15 |
14.85 |
-15.64 |
0.13 |
Tunisia |
102,241 |
1,272,981 |
12.45 |
-17.78 |
0.77 |
22.56 |
0.13 |
Netherlands |
890,987 |
1,248,430 |
1.4 |
3.46 |
-1.8 |
-5.08 |
0.13 |
Laos |
329,131 |
1,160,041 |
3.52 |
-3.96 |
-22.94 |
-19.76 |
0.12 |
Chủng loại hàng may mặc của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản 3 tháng 2017
Chủng loại |
Quý I/2017 (USD) |
So Q1/2016 (%) |
% cơ cấu |
Chủng loại |
Quý I/2017 (USD) |
So Q1/2016 (%) |
% cơ cấu |
Tổng |
709,467,654 |
11.53 |
100 |
Hàng may mặc |
9,907,465 |
2.41 |
1.4 |
áo thun |
154,504,504 |
37.59 |
21.78 |
Bít tất |
7,564,590 |
-3.93 |
1.07 |
Quần |
143,704,090 |
13.5 |
20.26 |
Vải |
5,943,743 |
-9.96 |
0.84 |
áo Jacket |
93,680,687 |
4.43 |
13.2 |
Quần áo mưa |
5,556,855 |
38.28 |
0.78 |
áo sơ mi |
68,554,259 |
25.03 |
9.66 |
Quần áo ngủ |
5,036,197 |
-23.7 |
0.71 |
Khăn bông |
37,397,914 |
6.7 |
5.27 |
Quần áo bơi |
1,618,223 |
54.16 |
0.23 |
Đồ lót |
32,800,743 |
-2.51 |
4.62 |
áo Ghilê |
1,284,982 |
-35.28 |
0.18 |
Váy |
23,207,165 |
-18 |
3.27 |
PL may |
732,927 |
290.99 |
0.1 |
Quần áo Vest |
18,122,953 |
41.76 |
2.55 |
áo gió |
326,956 |
1.348.16 |
0.05 |
Quần áo BHLD |
17,241,567 |
5.78 |
2.43 |
Quần Jean |
321,743 |
-52.11 |
0.05 |
áo |
16,613,388 |
-27.79 |
2.34 |
áo y tế |
142,557 |
-95.19 |
0.02 |
Quần Short |
13,776,700 |
-13.46 |
1.94 |
Khăn |
70,894 |
-40.16 |
0.01 |
áo len |
13,713,902 |
64.53 |
1.93 |
áo đạo hồi |
5,640 |
62.51 |
0 |
áo Kimono |
13,571,672 |
-1.52 |
1.91 |
áo nỉ |
3,651 |
-53.74 |
0 |
Quần áo trẻ em |
13,204,278 |
-8.14 |
1.86 |
Khăn bàn |
1,306 |
-67.7 |
0 |
Găng tay |
10,854,846 |
16.38 |
1.53 |
áo thú cưng |
1,258 |
|
0 |
Một số doanh nghiệp xuất khẩu nhiều sang Nhật Bản 3 tháng 2017 (1000 USD)
Doanh nghiệp |
Kim ngạch |
Doanh nghiệp |
Kim ngạch |
TCty CP May Việt Tiến |
36,665 |
Cty CP - TCty May Bắc Giang |
5,786 |
Cty TNHH PANKO VINA |
32,997 |
Cty CP May Hữu Nghị |
5,649 |
Cty TNHH may Tinh Lợi |
29,527 |
Cty TNHH May Thêu Giày An Phước |
5,502 |
Cty TNHH Worldon (Việt Nam) |
16,145 |
Cty TNHH May Mặc Xuất khẩu VIT GARMENT |
5,298 |
Cty TNHH SAKURAI Việt Nam |
12,349 |
Cty TNHH May SHIN DONG |
5,243 |
Cty TNHH May Phú Long |
10,371 |
Cty TNHH MSV |
5,091 |
Cty CP May Sài Gòn 3 |
10,103 |
Cty TNHH Teijin Frontier Shonai |
4,898 |
Tổng Cty CP Dệt May Hòa Thọ |
9,588 |
Cty TNHH GUNZE (VIệT NAM) |
4,886 |
Cty TNHH Youngor Smart Shirts Việt Nam |
8,797 |
Cty TNHH Tomiya Summit Garment Export |
4,811 |
Cty TNHH MAY MặC VIệT THIêN |
8,584 |
Tổng Cty CP Phong Phú |
4,480 |
Cty CP Dệt May- ĐT- TM Thành Công |
8,526 |
Cty TNHH Hugo Knit (Việt Nam) |
4,416 |
Cty CP May Bình Thuận - Nhà Bè |
8,476 |
Cty TNHH SAMWOO Việt Nam - Long An |
4,287 |
Cty TNHH VIệT NAM WACOAL |
8,405 |
Cty CP Vinatex Đà Nẵng |
4,249 |
Cty TNHH May mặc FIRST TEAM Việt Nam |
8,309 |
Cty TNHH Unimax Saigon |
4,228 |
Cty TNHH CRYSTAL SWEATER Việt Nam |
7,644 |
Cty TNHH YASUDA (Việt Nam) |
4,204 |
Tổng Cty May 10 - Cty CP |
6,651 |
Cty TNHH MTV Dệt Kim Đông Xuân |
4,198 |
Cty TNHH NOMURA FOTRANCO |
6,510 |
Cty TNHH MAY MặC JIFA S,OK |
4,105 |
Cty CP May Bình Minh |
6,236 |
Cty TNHH Thương Mại Sao Mai |
4,099 |
(Nguồn: Trung tâm TTTM - Bộ Công Thương, số liệu sơ bộ mang tính tham khảo)
Hội thảo về in kỹ thuật số trong ngành thời trang và in vải: Ngày 18/05/2017 tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Quốc tế Sài Gòn (SECC), Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) phối hợp với Hiệp hội In lụa & Đồ họa Châu Á (ASGA) tổ chức buổi hội thảo với chủ đề: Tổng quan về in kỹ thuật số trong ngành thời trang và in vải. Đây là một hoạt động bên lề Triển lãm Quốc tế Công nghệ In lụa và Kỹ thuật số 2017 (ASGA VIETNAM 2017), diễn ra từ ngày 18 - 20/5/2017. Mục đích của Hội thảo để giới thiệu về sự phát triển của ngành công nghệ in kỹ thuật số được ứng dụng rộng rãi trên vải và sản phẩm thời trang. Tại Hội thảo, Ông Johny Shell - Phó Chủ Tịch của Hiệp hội in Hình ảnh Đồ họa chuyên nghiệp Hoa Kỳ (SGIA) đã thuyết trình về “Công nghệ in trên vải” để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về các kỹ năng trong công nghệ in trên vải và sản phẩm thời trang tiên tiến nhất. Trước một thực tại rằng, đa phần các DN tại Việt Nam chưa bắt kịp các công nghệ tiên tiến và xu hướng thiết kế hiện nay trên thế giới, việc tổ chức hội thảo là cần thiết và phù hợp, nhất là trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Hơn 315 triệu đồng đã được trao tặng cho bà con xã Định An, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang: Ngày 27/05/2017 VITAS, Công đoàn Dệt May VN, VINATEX và Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức Đoàn công tác xã hội từ thiện “Hạnh phúc là sẻ chia” tại xã Định An, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang nhằm chia sẻ phần nào khó khăn trong cuộc sống với đồng bào, công nhân lao động của địa phương. Đoàn đã tặng 200 suất quà cho các gia đình chính sách, bà con và người lao động có hoàn cảnh khó khăn; Khám và phát thuốc miễn phí cho khoảng 500 người dân nghèo, bệnh tật, không có điều kiện đi kiểm tra sức khỏe; Đến thăm và tặng quà 5 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Có thể nói, đợt công tác xã hội từ thiện “Hạnh phúc là sẻ chia” không chỉ là sự giúp đỡ về vật chất và động viên tinh thần cho những GĐCS, người có công với cách mạng và bà con nghèo tại địa phương, mà còn có tác dụng sâu sắc trong việc giáo dục NLĐ trong ngành dệt may về tình cảm, mối quan hệ xã hội tốt đẹp đối với đồng bào, đồng nghiệp, nhất là với những nơi giàu truyền thống cách mạng nhưng cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Qua đó, gắn kết những tấm lòng cùng hướng về cộng đồng, trên tinh thần đoàn kết và phát huy truyền thống tương thân tương ái của những NLĐ ngành dệt may.
Triển lãm Denims & jeans tại TP.HCM. Tiếp theo thành công của Triển lãm lần thứ nhất, từ ngày 07 – 08/06/2017 tại Trung tâm Gem GEM – 08 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phường Đa Kao, Q. 1, TP.HCM, Tập đoàn Denimsandjeans tổ chức Triển lãm về Denims and jeans lần thứ hai. Tham gia trưng bày tại Triển lãm có các DN sản xuất cung ứng nguyên, phụ liệu và sản phẩm denims/jeans từ các quốc gia và vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Việt Nam, Hong Kong, Ấn Độ, Pakistan, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ… Đặc biệt, tại đây, sáng ngày 08/06/2017, VITAS sẽ tổ chức họp các DN trong Chuỗi sản xuất denims và jeans từ sợi, dệt, nhuộm, may, phụ liệu, dịch vụ hỗ trợ và các nhãn hàng. Ngoài ra, bên lề Triển lãm còn có những cuộc hội thảo chuyên ngành về các chủ đề: thiết kế Denim trong tương lai, sản xuất denim để thành công trên thị trường quốc tế, ảnh hưởng của các hiệp định FTA đến ngành dệt may Việt Nam.
Hội nghị AFF được tổ chức từ 07 – 09/06/2017 tại Hàng Châu, Trung Quốc. Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm TTK Hiệp hội đã dẫn đầu Đoàn đại biểu VITAS tham dự hội nghị. Trong thời gian này sẽ có các sự kiện: Hội nghị Chủ tịch các Liên đoàn thành viên, Lễ khai mạc Hội nghị AFF Hàng Châu, Trình diễn các bộ sưu tập của nhà thiết kế các nước, Diễn đàn về “Cơ hội, thách thức và giải pháp của ngành thời trang trong thời đại internet”, Diễn đàn của các nhà thiết kế thời trang về “Khuynh hướng và tương lai của – Thời trang không biên giới”, tham quan thành phố E – Fashion. Ý kiến tại các Hội nghị, diễn đàn và bộ sưu tập của đoàn Việt Nam được ghi nhận và đánh giá tốt. Hội nghị tiếp theo của Liên đoàn Thời trang châu Á (AF) sẽ được tổ chức tại Hàn Quốc và năm 2019.
Dự án Năng lượng phát thải thấp Việt Nam (V-LEEP ) được thành lập trong khuôn khổ hợp tác giữa Chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam, là dự án do Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, nhằm hỗ trợ các bên liên quan tại Việt Nam xây dựng chính sách và tạo ra môi trường khuyến khích tăng cường phát thải thấp trong lĩnh vực năng lượng hiệu quả của ngành công nghiệp. Chương trình thúc đẩy việc thực hiện các yếu tố quan trọng để phát triển dự án năng lượng sạch; tiếp cận công nghệ, tiếp cận tài chính, phát triển các dự án vay vốn khả thi và xây dựng ngành năng lượng tái tạo bền vững cho Việt Nam. VITAS đã ký kết Biên bản hỗ trợ với Dự án VLEEP, chính thức thông qua chương trình hợp tác giữa hai bên trong vòng hai năm tới. Chương trình sẽ xây dựng và triển khai các dự án năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính cho các DN là Hội viên của VITAS.
Trong tháng 5/2017, VITAS đã đồng hành cùng Dự án V-LEEP đi khảo sát hơn mười DN dệt may lớn từ các tỉnh, thành phố phía Nam đến các tỉnh, thành phố phía Bắc. Sau chương trình khảo sát, Hiệp hội sẽ phối hợp với Dự án tổ chức Hội thảo về Tiết kiệm năng lượng dành cho các DN dệt may và giới thiệu chuyên gia về lĩnh vực năng lượng, giúp DN tiếp cận tài chính, tiếp cận kỹ thuật để sử dụng năng lượng sao cho hiệu quả nhất. Hội thảo dự kiến được tổ chức vào tháng 7/2017.
Hội thảo "Xúc tiến bán hàng tới thị trường EU thông qua kênh amazon" đã được VITAS tổ chức vào ngày 10/5/2017 tại Hà Nội: Tại hội thảo, hai chuyên gia dày dặn kinh nghiệm thương mại điện tử và chiến lược marketing đến từ Vorwärts GmbH (Cộng hòa Liên bang Đức) là André M.Åslund và Ryan Ong đã chia sẻ và tư vấn tới các DN về xu hướng bán hàng trực tuyến qua trang thương mại điện tử hàng đầu thế giới amazon. Theo ông André M. Åslund, chất lượng sản phẩm dệt may của Việt Nam hoàn toàn đáp ứng yêu cầu khách hàng EU. Thông lệ cho thấy, nhiều DN Việt Nam và các DN châu Á thường bán sản phẩm qua trung gian hoặc đại lý sang thị trường các nước EU. Tuy nhiên, nếu thâm nhập được qua kênh amazon thì có thể cắt giảm được khâu trung gian này. Từ đó, có thể cắt giảm được chi phí và nâng cao năng lực cạnh trạnh cho mặt hàng dệt may Việt Nam đối với thị trường EU.
Họp báo giới thiệu hội thảo “Sản xuất thông minh hướng tới phát triển bền vững trong ngành dệt may” đã được tổ chức vào sáng 31/5/2017 tại khách sạn Melia, Hà Nội: Tại buổi họp báo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, đã phát biểu về chương trình hợp tác cấp Chính phủ Việt - Hàn nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ. Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, đã chia sẻ định hướng của VITAS trong tiến trình nỗ lực hỗ trợ DN đổi mới trong kỷ nguyên 4.0. Ông Park Jun Ho, nghiên cứu cao cấp- nguyên Trưởng VP Đại diện KITECH Việt Nam, giới thiệu về KITECH và các chương trình hợp tác, hỗ trợ DN dệt may Việt Nam trong thời gian tới. Các diễn giả và đại biểu từ các Bộ, Tập đoàn Dệt May Việt Nam, trường đại học và cao đẳng cùng phóng viên các báo đài cũng đã được giới thiệu và hỏi đáp về chi tiết chương trình của buổi hội thảo “Sản xuất thông minh hướng tới phát triển bền vững trong ngành dệt may” sẽ được tổ chức vào ngày 13/07/2017 tại khách sạn Melia Hà Nội tới đây. Hội thảo nằm trong chương trình hợp tác thường niên giữa VITAS và Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (KITECH).
Triển lãm Textile India 2017 sẽ diễn ra từ ngày 30/6 đến 2/7/2017 tại Mahatma Mandir, Gandhinagar, Gujarat, Ấn Độ: Textile India 2017 sẽ dự kiến thu hút khoảng 1,000 DN tham gia trưng bày, giới thiệu nguyên liệu dệt may như: vải các loại, sợi nhân tạo, sợi cotton, nguyên liệu bông và sợi xơ… Chương trình sẽ có tham dự của toàn bộ chuỗi giá trị của đại diện ngành dệt may, từ nông trang cung cấp nguyên liệu đến nhà sản xuất ra xơ, sợi đến vải và tới sản phẩm thời trang. Theo đại diện ban tổ chức, ngành dệt may Ấn Độ đã đóng góp khoảng 11% tổng xuất khẩu của Ấn Độ và đóng góp khoảng 5% tổng sản phẩm trong nước của Ấn Độ. Xuất khẩu hàng dệt may của Ấn Độ trong năm tài chính 2015-2016 đã đạt mức 40 tỷ USD. Ấn Độ là bạn hàng quan trọng của Việt Nam trong ngành dệt may, nhất là nguyên phụ liệu và thiết bị, công nghệ dệt may. Đồng thời, Việt Nam cũng là thị trường tiềm năng mà nhiều DN Ấn Độ có thể hướng tới. Các công ty dệt may Việt Nam được mời tham dự Triển lãm để giao lưu với hơn 20.000 nhà nhập khẩu dự kiến sẽ tham gia. Những công ty nhập khẩu hàng đầu này sẽ được Ban tổ chức Triển lãm đài thọ vé máy bay khứ hồi và khách sạn tại Ấn Độ dựa trên tiêu chí lựa chọn do nhà tổ chức ấn định.
Lớp đào tạo về Tự chứng nhận xuất xứ: Được sự chỉ định của Bộ Công Thương tại Quyết định số 1450/QĐ-BCT ngày 24/04/2017, Hiệp hội Dệt May VN (VITAS), Viện Chiến lược Đại dương xanh, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp tổ chức khóa “Đào tạo về Tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa” từ ngày 28 - 30/06/2017. Nội dung đào tạo: Tổng quan về hội nhập kinh tế quốc tế. Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia, Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Hiệp định thương mại hàng hóa ATIGA, Quy tắc xuất xứ dệt may trong các FTA và Quy tắc xuất xứ trong ATIGA, Tự chứng nhận xuất xứ - xu hướng và lợi ích, Hướng dẫn chi tiết về Tự chứng nhận xuất xứ theo Thông tư số 28/2015/TT-BTC ngày 20/8/2015 của Bộ Công Thương … Khóa học do các chuyên gia Cục XNK - Bộ Công Thương, trực tiếp đào tạo và hướng dẫn. Cuối kháo học, học viên đủ điều kiện theo quy định hiện hành sẽ được cấp Giấy chứng nhận đào tạo Tự chứng nhận xuất xứ, là tiêu chí bắt buộc để tham gia Chương trình tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Bộ Công Thương. Văn bản chiêu sinh sẽ được đăng trên Website của VITAS.
Hội thảo “Sản xuất thông minh hướng tới phát triển bền vững trong ngành dệt may” sẽ diễn ra vào ngày 13/07/2017 tại Khách sạn Melia Hà Nội. Hội thảo do Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) phối hợp với Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (KITECH) tổ chức. Tại Hội thảo, các chuyên gia sẽ trao đổi về những giải pháp nhà máy thông minh trong ngành may mặc được kỳ vọng sẽ mang tới những lợi ích: Tăng năng suất, định lượng sản xuất, cắt giảm chi phí, quản lý nhân sự hiệu quả, cải thiện môi trường làm việc... nhằm giúp các DN dệt may chủ động hơn trong tiến trình tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Hiệp hội Dệt May Việt Nam vui mừng chào đón 03 hội viên gia nhập mới trong tháng 5:
Mời DN hội viên tham gia chương trình đánh giá, công bố các DN bền vững tại Việt Nam năm 2017. Lễ công bố dự kiến được tổ chức vào tháng 12/2017. DN quan tâm có thể tham gia bằng hình thức nộp hồ sơ trực tuyến tại: Website: vbcsd.vn hoặc gửi về Ban tổ chức theo địa chỉ: Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững, VCCI - Tầng 4, Tòa nhà VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội hoặc Ban Hội Viên - Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Tầng 2, 32 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Thỏa ước lao động tập thể ngành dệt may Việt Nam: Hiệp hội Dệt May Việt Nam và Công Đoàn Dệt May Việt Nam sẽ tiến hành ký kết Thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt may Việt Nam lần thứ 4 trong tháng 6/2017 tại Hà Nội. Sau khi ký kết, thỏa ước sẽ được gửi tới các DN hội viên để các DN chưa tham gia tiếp tục đăng ký tham gia.
Lương tối thiểu vùng năm 2018: Thực hiện kế hoạch của Hội đồng tiền lương Quốc Gia năm 2017, Chủ tịch HĐTLQG vừa gửi giấy mời các thành viên HĐTLQG, thành viên bộ phận kỹ thuật và bô phận thường trực giúp việc, đại diện một số cơ quan, đơn vị liên quan họp phiên đầu tiên vào ngày 23/6/2017 để trao đổi, thống nhất về nguyên tắc, phương hướng và căn cứ xác định tiền lương tối thiểu vùng năm 2018. Hiệp hội Dệt may Việt Nam sẽ tham gia với tư cách là thành viên Hội đồng và thành viên Bộ phận kỹ thuật.