Ngày 21/6/2018, tại Tổng Công ty May 10 - CTCP, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đã phối hợp với Liên minh Dệt May bền vững (SAC) và Tập đoàn TAL tổ chức buổi Hội thảo “Áp dụng chỉ số HIGG trong xây dựng thương hiệu bền vững cho ngành Dệt May Việt Nam”.
Tham dự buổi Hội Thảo có ông Nguyễn Quang Huy, Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương); ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas; ông Jason Kibbey, Giám đốc điều hành SAC; ông Maximilian Pottler và đại diện các doanh nghiệp trong ngành Dệt May Việt Nam.
Phát biểu khai mạc buổi hội thảo, ông Vũ Đức Giang cho biết, năm 2017, ngành dệt may đã vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành vượt mục tiêu đề ra với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với năm 2016. Năm 2018, dệt may Việt Nam phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 34,5 - 35 tỷ USD và quyết tâm đến năm 2030 - 2035 toàn Ngành sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 150 - 200 tỷ USD. Để hoàn thành mục tiêu trên, ngành Dệt May Việt nam đã xây dựng chiến lược phát triển bền vững, đáp ứng tiến trình hội nhập, trong đó HIGG là một trong những tiêu chuẩn phát triển bền vững của Ngành. Việt Nam đang làm việc với EU để sớm phê chuẩn FTA Việt Nam - EU, cùng với các FTA mà Việt Nam đã ký kết với Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á - Âu, Trung Quốc… thì sẽ mở ra một thị trường rộng lớn đối với các doanh nghiệp dệt may Việt nam. Đặc biệt, trong năm 2017 dệt may Việt Nam đã xuất khẩu được gần 3 tỷ USD và dự kiến năm 2018 sẽ xuất khẩu hơn 3 tỷ USD vào thị trường Trung Quốc. Vitas đã và đang tiếp tục xây dựng và kêu gọi đầu tư vào nguồn cung ứng thiếu hụt để hoàn thiện chuỗi cung ứng hoàn thiện. Các doanh nghiệp FDI của châu Âu đang đẩy mạnh đầu tư vào ngành Dệt May Việt Nam do họ đã nhìn thấy tiềm năng phát triển của Ngành. Ngành Dệt May Việt Nam đang có những thuận lợi để phát triển và trong thời gian tới, nguồn cung thiếu hụt sẽ ngày càng bị thu hẹp. Bên cạnh đó, ngành Dệt May Việt Nam đang thiếu nguồn lực phát triển là con người bởi doanh nghiệp và trường đào tạo không liên kết được với nhau, cũng như thiếu chiến lược đào tạo. Để cải thiện chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho Ngành, Vitas đang hợp tác với các trường trong và ngoài nước để đào tạo cho các doanh nghiệp. Thông qua hội thảo, các doanh nghiệp trong ngành sẽ có thêm nhiều sự chia sẻ về chỉ số HIGG, định hướng phát triển xanh trong tương lai, các cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ có thêm nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện phát triển bền vững.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Huy nhấn mạnh, trong bối cảnh chung của thế giới và Việt Nam, xu hướng phát triển các-bon thấp, sản xuất phải đảm bảo các yếu tố về môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, giảm phát chất thải, kiểm soát hóa chất độc hại là yêu cầu cấp thiết. Hội thảo sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp trong Ngành cập nhật thông tin về xu hướng, tiềm năng, giải pháp và cơ hội hợp tác cùng nhau xây dựng kế hoạch để phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe giới thiệu về SAC và các hỗ trợ của SAC; các Buyer nổi tiếng trình bày chiến lược tìm nguồn cung ứng toàn cầu của người mua trong thời gian tới và các tiêu chuẩn, điều kiện về tính bền vững cho nhà sản xuất để đáp ứng; xây dựng lực lượng lao động bền vững; chia sẻ kinh nghiệm thực tế, phương pháp hay từ các nhà sản xuất đã áp dụng chỉ số HIGG và kinh nghiệm của họ về lợi ích mà HIGG mang lại; quan điểm về phát triển bền vững của các tổ chức quốc tế; chia sẻ hỗ trợ cho việc phát triển bền vững ngành dệt may và da giày của chương trình Sáng kiến thương mại bền vững IDH.